Pháp luật

Giả công an, băng nhóm chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng

Năm nghi can Đài Loan câu kết với tám nghi can các tỉnh, thành giả danh công an hù dọa nạn nhân chuyển tiền để “điều tra”, chiếm đoạt số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP.HCM truy tố 13 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", theo tin tức trên báo Công an Nhân dân. 

 Các nghi can người Đài Loan cầm đầu trong băng lừa đảo. Ảnh PLO

Trong đó có 5 bị can quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc gồm: Peng Kang Yu (25 tuổi), Liu En Hsiang (27 tuổi), Lu Shih Wei (25 tuổi), Huang I Jen (31 tuổi) và Hsieh Chia Chun (39 tuổi). 

Đồng thời, 8 bị can còn lại là Giáp Thị Diễm Thúy (39 tuổi), Giáp Thanh Đạt (32 tuổi), Nguyễn Hữu Minh Tuấn (20 tuổi), Đặng Quốc Bảo (26 tuổi), Nguyễn Thanh Bình (23 tuổi), Đoàn Quốc Hiếu (27 tuổi) đều ngụ tỉnh Đồng Nai. Châu Vĩnh Huy (23 tuổi) và Nguyễn Hoàng Huy (22 tuổi) đều ngụ TP Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 2/2016, Peng Kang Yu, Liu En Hsiang, Lu Shih Wei được tổ chức lừa đảo tại Đài Loan - Trung Quốc phân công sang Việt Nam tìm người đăng ký mở tài khoản ngân hàng để mua, chuyển thông tin tài khoản về Đài Loan, từ đó sử dụng làm phương tiện tiếp nhận tiền lừa đảo do người bị hại chuyển vào rồi cùng nhau rút ra chiếm đoạt.

Ba bị can này đến TP.HCM, ngụ tại một căn hộ ở quận 6 và móc nối nhiều người cùng tham gia. Các bị can còn lại đóng vai trò đăng ký mở tài khoản, thu mua tài khoản được mở tại các ngân hàng, cung cấp cho đồng phạm sử dụng làm phương tiện tiếp nhận tiền lừa đảo, đồng thời tham gia rút tiền lừa đảo của người bị hại.

Cụ thể, ngày 7/4/2016, bà Hồng (ngụ quận 6, TP.HCM) nhận cuộc gọi từ một phụ nữ. Qua điện thoại, người này xưng là nhân viên tổng đài VNPT, thông báo bà đứng tên một thuê bao tại Hà Nội, đang nợ tiền cước hơn 30 triệu đồng, báo Pháp luật TP. HCM đưa tin. 

 

Do không thanh toán tiền cước, vụ việc đã chuyển sang Công an TP Hà Nội điều tra. “Người này yêu cầu tôi giữ máy để gặp “Trung tá Trần Hoàng Minh - Công an Hà Nội” - bà Hồng kể.

Sau đó, giọng một người đàn ông thông tin là bà đang bị điều tra vì liên quan đến một vụ án, yêu cầu bà chuyển số tiền trong sổ tiết kiệm cho công an để giám định, nếu không sẽ bị bắt giam và sẽ trả lại nếu kiểm tra là tiền “sạch”.

“Vì gia đình và con nhỏ, khi nghe bị bắt tôi rất sợ, giấu chồng rút 2 tỉ đồng tiền tiết kiệm chuyển vào tài khoản của ba người theo chỉ định. Đến tối thì tôi mới biết mình bị lừa nên báo công an” - bà Hồng nói.

Tương tự trường hợp của bà Hồng, ngày 1/4, bà Lê Thị Ngọc Bích cũng bị lừa đảo với thủ đoạn trên và chuyển số tiền 700 triệu đồng vào một tài khoản và bị chiếm đoạt.

Từ ngày 1 đến 14/4/2016, 13 người bị hại tại TP.HCM đã chuyển tổng cộng gần 6,4 tỷ đồng vào số tài khoản của các bị can trên. Số tiền này ngay lập tức bị rút ra chiếm đoạt và chuyển sang tổ chức lừa đảo ở Trung Quốc thông qua một dịch vụ không chính thống.

 

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp theo báo Công an Nhân dân, Pháp luật TP. HCM)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo