Giá dầu giảm, giá nhớt trơ trơ
Từ giữa năm 2014 đến nay, giá xăng A92, A95, dầu diesel, dầu hỏa… đều đã giảm mạnh. Xăng giảm tới lần thứ 15 trong khi giá dầu thô thế giới đã giảm tới 50%. Giá dầu thô đã xuống dưới 60 USD/thùng, thậm chí có thời điểm 50 USD/thùng. Tuy nhiên, giá các sản phẩm dầu nhờn (nhớt) bán lẻ trên thị trường Việt Nam vẫn không thấy có dấu hiệu giảm.
Đại gia thao túng?
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), cho biết xăng, dầu diesel, dầu gốc… là những sản phẩm được sản xuất từ dầu thô. Nhớt là sản phẩm của dầu gốc pha trộn với phụ gia. Cả giá dầu thô, dầu gốc đều giảm trong thời gian qua, điều này giúp các công ty sản xuất dầu nhớt hưởng lợi.
Nhưng tại sao giá nhớt lại không giảm? Theo ông Quỳnh, nguyên do là các doanh nghiệp (DN) dầu nhớt tốn quá nhiều chi phí quảng cáo marketing, tốn chi phí khuyến mãi để thu hút khách hàng, cạnh tranh với các hãng nhớt trên thị trường. Đối với các DN nhập khẩu nhớt về trong nước đóng gói tiêu thụ, không nhập thường xuyên như xăng dầu (lô hàng nhớt lâu lâu mới nhập về một đợt) nên có thể ít bị tác động.
“Giá nhớt không giảm là khó chấp nhận. Không nhiều thì ít, giá nhớt cũng phải giảm theo giá dầu thô thế giới như giá xăng, dầu, diesel” - ông Quỳnh nói.
Đại diện một DN nhập khẩu dầu nhớt xác nhận các thị trường Singapore, Iran, Saudi Arabia, Nhật, Hàn Quốc và châu Âu giá các loại dầu gốc để pha chế dầu nhớt như SN150, SN500, J150, J500… đều giảm. Chỉ riêng trong tháng 1-2015, giá một số sản phẩm dầu gốc đã giảm 10%-15% so với tháng 12-2014.
“Thế nhưng giá nhớt trong nước không thể giảm vì thị trường dầu nhớt Việt Nam đang bị khống chế bởi các đại gia ngành dầu nhớt thế giới. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Exxon Mobil, Castrol, BP, Total, Shell… đều đã có mặt tại Việt Nam và chiếm tới gần 80% thị phần tại các TP lớn. Ngoài ra một số hãng xe đều có sản phẩm nhớt riêng. Các DN nhớt trong nước xuất hiện không đáng kể, giá rẻ hơn nhiều nhưng ít người mua (chủ yếu dùng trong sản xuất). Chỉ cần một vài DN lớn không giảm thì các DN khác không giảm theo. Hơn nữa lượng nhớt tồn kho cao nên khó bị tác động liền theo giá xăng dầu” - vị đại diện này tiết lộ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dầu nhớt là thị trường béo bở đối với các DN sản xuất và nhập khẩu. Thị trường sản xuất có thể giảm do kinh tế khó khăn nhưng thị trường động cơ xe máy, ô tô, xe tải rất lớn. Số lượng nhớt nhập về đến đâu chắc chắn sẽ tiêu thụ rất nhanh đến đó nên không có chuyện tồn kho. Phải chăng là chi phí PR quảng cáo cạnh tranh quá lớn khiến họ không thể giảm giá được nữa?
Cần cơ chế quản lý giá nhớt
Ông Quỳnh cho rằng chúng ta đã thả nổi giá nhớt. Với giá xăng dầu bán lẻ hiện nay, cơ quan quản lý có cơ chế tính toán giá thành, chi phí nhưng với giá dầu gốc, giá nhớt bán lẻ trên thị trường vẫn còn bỏ ngỏ.
Đồng quan điểm, một chuyên gia ngành xăng dầu cho rằng Nhà nước cần có hướng giám sát giá dầu gốc nhập khẩu và yêu cầu các DN công bố công thức pha chế, từ đó tính ra giá thành sản phẩm. Không có lý do gì giá dầu trên thế giới đã giảm nhưng giá nhớt không giảm, người tiêu dùng lại không được hưởng lợi.
Ông Tô Văn Tuynh, Giám đốc khu vực Đông Nam Bộ Tập đoàn Mai Linh, cho biết hiện nay mỗi xe chạy trên 5.000 km phải thay nhớt, giá khoảng 400.000-500.000 đồng/bốn lít tùy loại. Tuy nhiên, giá nhớt bán lẻ không thấy giảm bao giờ. Mặc dù chi phí nhớt không nhiều, tác động không lớn đối với mỗi xe cá nhân nhưng với trên chục ngàn xe của mỗi hãng thì đó là một chi phí rất lớn. Nếu giá nhớt giảm thì chắc chắn hãng sẽ tính toán giảm giá cước như khi giá xăng dầu giảm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng