Giá dầu lại rớt thê thảm
Sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) quyết định không giảm sản lượng khai thác dầu, giá dầu đã giảm một cách chóng mặt. Theo AFP, giá dầu thô của Mỹ giảm còn 67,75 USD/thùng và giá dầu Brent rớt xuống 71,25 USD/thùng, mức thấp nhất trong 4 năm qua. Tính từ tháng 6 đến nay, giá dầu đã tụt khoảng hơn 30%. “Việc OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng là lý do chính khiến giá lao dốc khá nhanh. Từ đây đến cuối năm, giá dầu có thể sẽ còn giảm nữa”, ông Daniel Ang, một nhà phân tích thuộc hãng đầu tư Phillip Futures ở Singapore nhận định. Theo chuyên gia Ang, giá dầu thô ở Mỹ có thể giảm dưới mức 60 USD/thùng và dầu Brent có thể nằm ở mức 60 - 65 USD/thùng.
Trước viễn cảnh không mấy khả quan của giá dầu, giới chức và các chuyên gia Nga lo ngại nền kinh tế của nước này sẽ bị tổn hại. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm qua nhấn mạnh Moscow cần phải xem lại ngân sách chính phủ trong điều kiện giá dầu chỉ ở mức 80 USD/thùng thay vì 100 USD/thùng trong vài năm tới, theo hãng tin RIA-Novosti. Ông Maksim Oreshkin, người đứng đầu Cơ quan hoạch định chiến lược thuộc Bộ Tài chính Nga, cho rằng ngân sách nước này cần phải điều chỉnh để thích ứng với giá dầu mới. Giá dầu rơi dưới mức 70 USD/thùng có thể tác động tiêu cực đến Nga vì đồng ruble liên quan chặt chẽ với giá dầu và giá dầu càng giảm thì đồng ruble càng mất giá, từ đó kìm hãm ngành sản xuất dầu trong nước cũng như dẫn tới lạm phát leo thang, theo trang tin Rosbalt.ru dẫn lời bà Anna Kokoreva, chuyên gia phân tích thị trường tại Tập đoàn Alpari (Anh).
Giá dầu rớt khiến một số nhà xuất khẩu dầu đau đầu song mang lại niềm vui cho người tiêu dùng, nhất là ở Mỹ trong dịp lễ Tạ ơn. Giá dầu giảm kéo theo giá xăng giảm và như vậy người tiêu dùng có thể tiết kiệm được hàng tỉ USD. Theo tạp chí Forbesdẫn nguồn từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá xăng bán lẻ tại thị trường Mỹ đã giảm xuống dưới 3 USD/gallon (1 gallon chừng 4 lít) và người tiêu dùng tiết kiệm được 32 xu/gallon so với năm ngoái. Cũng theo EIA, giá xăng sẽ tiếp tục lao dốc trong những tháng tới, xuống mức khoảng 2,8 USD/gallon hoặc thấp hơn. “Những gì tiết kiệm được tại các máy bơm sẽ được chi tiêu tại các khu mua sắm”, một chuyên gia kinh tế đúc kết.
Khu vực châu Á nói riêng cũng hưởng lợi không ít từ giá dầu giảm vì là nơi nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Người tiêu dùng tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên toàn cầu, có thể sẽ có ít nhất một năm hoặc hơn hưởng giá cả hàng hóa thấp. Điều này sẽ giúp Bắc Kinh có thêm thời gian để nới lỏng chính sách tiền tệ, theo Julian Evans-Pritchard, một nhà kinh tế tại tổ chức tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh). Danh sách ăn theo giá dầu giảm còn có những nhà nhập khẩu dầu lớn khác ở châu Á như Ấn Độ và Indonesia.
Reuters cho hay sau quyết định vẫn duy trì trần sản lượng 30 triệu thùng dầu/ngày của OPEC, giá dầu, cổ phiếu và tiền tệ liên quan tới dầu đều sụt giảm đáng kể ở châu Á ngày 28.11. Các công ty năng lượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Chỉ số MSCI của thị trường châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,7%. Tại thị trường Úc, chỉ số ASX/S&P 200 tụt 1,34% do hệ quả domino từ cổ phiếu các công ty năng lượng giảm mạnh, từ 10 - 16%, theo Reuters. Tại Anh, cổ phiếu của Tullow Oil giảm 7,2%, còn BP tụt 2,7%. AFP đưa tin cổ phiếu của Total ở thị trường Pháp mất 4,1%; còn ở Na Uy, cổ phiếu của Statoil rớt nhanh 4,4%. Thị trường Mỹ đóng cửa vì dịp lễ Tạ ơn nên tránh những tác động từ giá dầu giảm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động