Giá dầu lao dốc: Mọi chỉ dấu hướng về Saudi Arabia
Giá dầu giảm nhanh khiến nhiều quốc gia xuất khẩu dầu phải xem lại dự báo tăng trưởng kinh tế của mình cũng như tính toán lại chi tiêu ngân sách.
Có thực tế là tình trạng giá dầu giảm đến 30% trong chỉ vài tháng gần đây khiến người ta buộc phải đặt câu hỏi: Liệu thế giới có đang đứng trước cuộc khủng hoảng như hồi năm 1986?
Có thể là không nhưng tình hình hiện nay cũng có những điểm tương đồng. Vào mùa hè 1986 giá dầu đã sụp đổ ở mức độ tương tự cuộc khủng hoảng năm 1973. Lần đó thủ phạm của cuộc khủng hoảng được chỉ đích danh là Saudi Arabia do nước này tăng sản lượng.
Lúc đó nhiều người cũng cho rằng đã có sự thông đồng giữa Saudi Arabia và Mỹ theo kiểu một mũi tên trúng hai đích: giúp Mỹ có được nguồn năng lượng giá rẻ và làm suy yếu Liên Xô.
Thuyết âm mưu
Thực tế từ đó đến nay, tình hình chính trị - xã hội đã khác rất nhiều. Tuy nhiên dầu mỏ vẫn còn đóng vai trò chiến lược trong các quan hệ kinh tế - chính trị của thế giới. Dù nhiều quốc gia đã thiết lập các chương trình tiết kiệm năng lượng và hướng đến phát triển không lệ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống, song các quốc gia dầu mỏ Trung Đông vẫn còn duy trì tầm quan trọng chiến lược, dù một số “tay chơi mới” ở châu Phi đã xuất hiện.
Trong Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Saudi Arabia vẫn còn giữ vai trò đầu tàu. Vì thế lần này cũng như hồi năm 1986, Nga lại lên tiếng nghi ngờ về sự bắt tay Mỹ - Saudi Arabia.
Mới đây, ông Mikhail Leontyev, phó chủ tịch Tập đoàn Rosneft của Nga, đã lên tiếng: “Giá dầu có thể bị thao túng. Saudi Arabia đã bắt đầu làm giảm giá dầu. Đây là chuyện thao túng mang động cơ chính trị và chính Saudi Arabia đã làm chuyện đó”.
Trong một tuyên bố hôm 6-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận giá dầu giảm do kinh tế thế giới không tốt, nhưng ông cũng ám chỉ đến động cơ chính trị: “Yếu tố chính trị luôn xuất hiện trong vấn đề giá dầu.
Hơn nữa khi khủng hoảng nổ ra, trong một số thời điểm người ta có cảm giác giống như hoạt động chính trị thường chi phối giá của các nguồn năng lượng”.
Nga được đánh giá là quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất lần này. Ngân sách của Nga chỉ có thể cân bằng khi giá dầu ở mức khoảng 115 USD/ thùng. Với quốc gia phần lớn nguồn thu phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng như Nga thì hệ lụy từ giá dầu giảm là rất rõ. Venezuela cũng thế. Thậm chí với quốc gia Trung Mỹ này, giá dầu phải trên mức 115 USD/thùng mới ổn nên Caracas cũng lên tiếng cho rằng có bàn tay Washington trong vụ giá dầu giảm mạnh lần này.
Thêm vào đó, thật khó hình dung sự bắt tay Mỹ - Saudi Arabia khi mà quan hệ hai nước vẫn còn khá căng thẳng từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 trong đó có các phần tử từ Saudi Arabia.
Nhiều quan chức tại Washington vẫn lo ngại chuyện một số quỹ tài trợ ở các quốc gia vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia, cho các phong trào khủng bố. Trong khi đó, phía Saudi Arabia lại không thể chấp nhận được khả năng “gần gũi” của Mỹ với đối thủ kình địch của họ trong khu vực là Iran.
Saudi Arabia muốn chặn Mỹ
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vụ giảm giá lần này là do Saudi Arabia muốn ngăn cản sự phát triển của việc khai thác dầu mỏ và khí đốt, khí đá phiến của Mỹ.
Theo AFP, nhà kinh tế Abdelwahab Abu-Dahesh của Saudi Arabia nói thẳng: “Saudi Arabia muốn (qua việc để giảm giá) bắn cú ân huệ đối với các đối thủ sản xuất dầu khí đá phiến”. Ông cũng như nhiều nhà phân tích khác cho rằng Saudi Arabia tự tin vào tiềm lực kinh tế của mình để có thể chịu đựng tình trạng giảm giá dầu “trong hai đến ba năm”.
Còn kinh tế trưởng Fahad Alturki của Quỹ đầu tư Jadwa tại Ryad khẳng định Saudi Arabia không muốn hạ giá để không mất thị trường Mỹ truyền thống của mình. Theo các số liệu thống kê chính thức từ Mỹ, xuất khẩu dầu của Saudi Arabia vào Mỹ trong vài tháng gần đây đã giảm gần 30%.
Thậm chí, theo nghiên cứu của Ngân hàng Commerzbank, Saudi Arabia còn áp dụng cả biện pháp bán giảm giá tại Mỹ trong khi lại tăng giá (để bù lỗ) ở các thị trường khác, trong đó có châu Á.
Theo tính toán của nhà kinh tế Alturki, khi giá dầu giảm xuống còn khoảng 70 USD/thùng thì các nhà sản xuất dầu khí đá phiến sẽ lao đao. Trong khi thực tế Saudi Arabia cũng cần mức giá dầu ở khoảng 100 USD/thùng để duy trì tỉ lệ phát triển của mình về lâu dài.
Còn nhiều những phỏng đoán khác nhau. Bà Marie-Claire Aoun, giám đốc Trung tâm năng lượng của Viện Quan hệ quốc tế Pháp (Ifri), nhận định: “Cần thấy rằng giá dầu giảm khiến Nga khó chịu nhưng chính các quốc gia thuộc OPEC cũng bị khó chịu”.
Theo bà, nhìn kỹ thì giá dầu giảm thật ra là có xu hướng trong những năm gần đây: từ năm 2011 giá dầu đã dao động ở mức 100-110 USD/thùng và khi đó cả thế giới (bên xuất khẩu lẫn bên nhập khẩu) đều thấy hài lòng.
Xu hướng giảm mạnh từ tháng 6-2014 đến nay là do một số yếu tố căn bản của thị trường. Đầu tiên, tất cả các nhà phân tích đều thống nhất ở hiện tượng phát triển suy giảm tại Trung Quốc và châu Âu nên nhu cầu năng lượng giảm theo và do đó thừa mứa dầu mỏ trên thị trường do các nước xuất khẩu không giảm nguồn cung, thậm chí còn không tuân thủ định mức đã đặt ra trong khối.
Đó là chưa kể Libya (sản xuất trở lại khoảng 1 triệu thùng/ngày) và Iraq cũng bắt đầu xuất khẩu càng khiến tình hình thêm dư thừa. Đây là hiện tượng trùng lắp rất ngẫu nhiên vì tình hình Libya và Iraq vẫn chưa ổn định.
Nhưng trước mắt hãy tận hưởng những ngày tháng của giá dầu giảm. Theo tính toán, nhu cầu tiêu thụ dầu thô của thế giới hiện nay khoảng 90 triệu thùng/ngày và do giá đã giảm được khoảng 35 USD/thùng, tức là những người tiêu dùng đã “tiết kiệm” được 3 tỉ USD mỗi ngày dành cho việc khác.
Giá cả sẽ có thể tùy thuộc vào cuộc họp hôm nay (27-11) nhưng Goldman Sachs vừa đặt cược giá dầu sẽ vào khoảng 85 USD/thùng trong quý 1-2015 và xuống mức 80 USD/thùng trong quý 2. Có vẻ thế giới sẽ còn nhiều tháng ngày dễ thở.
Tiếp tục giảm
Giá dầu tại thị trường New York (Mỹ) đã tuột mất 2,2%, xuống mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua, khi giới phân tích dự đoán các nước xuất khẩu dầu OPEC sẽ không thống nhất được việc cắt giảm sản lượng để giữ giá.
Dầu thô giao tháng 1-2015 giảm xuống còn 74,09 USD/thùng trong ngày 25-11, thấp nhất kể từ cuối năm 2010, và giảm sâu xuống còn 73,69 USD/thùng trong ngày 26-11, theo AFP. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giảm xuống còn 78,33 USD/thùng và giảm thêm 31 cent trong ngày 26-11.
Đợt biến động diễn ra ngay trước thềm cuộc họp cấp bộ trưởng của 12 thành viên OPEC, cung ứng hơn 40% lượng dầu cho toàn thế giới, diễn ra hôm nay (27-11) tại Vienna (Áo) để thảo luận việc giá dầu sụt giảm không phanh trong thời gian qua.
Một cuộc họp cũng về dầu mỏ vào ngày 25-11 giữa bốn nước Saudi Arabia, Venezuela, Nga và Mexico không đạt được sự đồng thuận nào.
“Nếu OPEC không làm gì để cắt giảm sản lượng, giá dầu có thể giảm thêm nữa” - Hãng tin Bloomberg dẫn lời chiến lược gia Ric Spooner thuộc Tổ chức CMC Markets (Úc). Trong năm nay, giá dầu đã giảm đến 25% và có thể giảm xuống đến mức 60 USD/thùng.
Dù là một cuộc họp được trông chờ nhưng có vẻ không khó dự đoán kết quả khi các thành viên OPEC vẫn bất đồng.
“Các nước OPEC đang chia rẽ, đừng nên mong đợi gì từ cuộc họp này” - trang Itar-Tass dẫn lời Bộ trưởng phát triển kinh tế Aleksey Ulyukaye của Nga vào hôm qua. Nhóm các nước vùng Vịnh, dẫn đầu là Saudi Arabia, bác bỏ việc cắt giảm trừ khi họ được chia thị phần tại những khu vực khó chen chân vào.
Trong khi đó Bộ trưởng dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh tỏ ra nôn nóng khi đến Vienna, hối thúc OPEC đoàn kết để đối phó với giá “không thể chấp nhận được” và kêu gọi các nước ngoài khối cùng hành động. Không thể trông đợi vào OPEC, Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga vào hôm 25-11 đã tuyên bố sẽ cắt giảm 250.000 thùng mỗi ngày dù chưa nói rõ sẽ thực hiện khi nào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Công Thương lý giải quy định gỡ bỏ “tầng nấc trung gian” trong kinh doanh xăng dầu
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp