Giá điện cho các ngành sản xuất dự kiến sẽ tăng
Mới dừng ở ý tưởng
(tienphong) Ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, đúng là Bộ Công Thương đang đề xuất tăng giá điện với sắt thép và xi măng. Tuy nhiên, đó chỉ mới chỉ là ý tưởng.
Theo ông Phúc, hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát lại các chi phí sản xuất điện năm 2012 để đề xuất lên Chính phủ điều chỉnh giá điện. Việc giá điện điều chỉnh bao nhiêu sẽ cân nhắc nhiều yếu tố trong đó có tính tới yếu tố lạm phát cũng như thời điểm để tránh tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Cũng theo ông Phúc, hiện dự thảo về biểu cơ cấu giá điện bán lẻ vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, sau đó sẽ trình Chính phủ xem xét. “Về cơ cấu tỷ giá mới, giá bán lẻ tiêu dùng có một số thay đổi. Trong đó giá bán lẻ trước kia có 7 bậc sẽ giảm còn 6 bậc. Dự thảo cũng quy định, sản xuất sắt, thép, xi măng có mức giá điện riêng. Trong các nhà máy sản xuất thép, xi măng có một số nhà máy còn sử dụng công nghệ lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng nên việc quy định mức giá cao hơn sẽ thúc đẩy quá trình cải tiến công nghệ, tiết kiệm năng lượng”, ông Phúc cho biết.
Nâng cao tính tin cậy của ngành điện
Xung quanh đề xuất sẽ có giá điện riêng cho thép và xi măng, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Hữu Thận, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển điện (Hội Điện lực Việt Nam) cho biết, hiện, sắt thép và xi măng là một trong các ngành tiêu thụ nhiều điện, đòi hỏi tiêu chuẩn cung cấp điện áp an toàn và liên tục, nếu bị mất điện sẽ ảnh hưởng lớn đến dây chuyền công nghệ, sản phẩm trở thành phế phẩm. Do đó, ngành điện phải tăng cường đầu tư công nghệ để nâng cao tính tin cậy cung cấp điện cho hai ngành này.
Mặt khác, nhu cầu điện cho hai ngành này lớn, do giá điện chưa hợp lý, họ ít muốn cải tiến công nghệ để giảm suất tiêu thụ điện trên một sản phẩm. Việc áp giá điện cao hơn các ngành khác một ít đối với hai ngành này là phù hợp đề bù đắp chi phí thêm công nghệ lưới và khuyến khích để các doanh nghiệp thép, xi măng cải tiến công nghệ theo hướng giảm suất tiêu thụ điện năng trên đơn vị sản phẩm.
Tuy nhiên, đa phần các nhà máy thép hiện đều sử dụng cấp điện áp 110 kV nên mức tăng từ 85% lên 93% (giờ bình thường), 53% lên 61% (giờ thấp điểm) và từ 156% lên 164% (giờ cao điểm) theo như cơ cấu giá điện sắp áp dụng là chấp nhận được.
Cũng theo ông Thận, hiện do nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, trong khi sản xuất điện không đáp ứng được nên mới có chuyện “phân biệt đối xử” với những ngành tiêu tốn nhiều điện như xi măng, sắt thép. Nhưng nếu không phân biệt đối xử thì năng lượng sẽ bị sử dụng lãng phí và khả năng phát triển nguồn, lưới không đáp ứng được, rồi lại rơi vào trạng thái đói điện, sẽ rất có hại cho kinh tế và dân sinh.
Phong Cầm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Thị trường cho thuê văn phòng cạnh tranh gay gắt
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh