Giá điện tăng 5%: Đến vợ sếp phó EVN cũng kêu không hợp lý
Giá điện tăng 5%, CPI nhích 0,12%
Trả lời Dân trí về việc "Vì sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại quyết định tăng giá vào thời điểm nhạy cảm trước Tết dễ tác động đến lạm phát cũng như tâm lý người tiêu dùng", Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đinh Quang Tri nói: "Đứng trên góc độ người tiêu dùng mà nói thì tăng giá điện không bao giờ hợp lý, tăng 1 đồng cũng là bất hợp lý".
Lãnh đạo EVN nói vui rằng, "Kể cả bản thân tôi, khi tôi về nhà, vợ tôi cũng sẽ nói tăng giá là không phù hợp".
Tuy nhiên, đứng trên góc độ tổng thể của nền kinh tế, EVN là người đi mua điện và phân phối, do đó không thể lúc nào cũng mua đắt bán rẻ. Nếu cứ ép các nhà máy phát điện bán giá thấp thì đến lúc không có người đầu tư thêm các nhà máy mới, nguy cơ dẫn đến thiếu điện.
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp, vấn đề không phải là mức giá điện cao - thấp mà cần nguồn cung điện ổn định, không bị mất điện giữa chừng, gây gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Về ảnh hưởng đến lạm phát khi EVN tăng giá điện vào đúng thời điểm giáp Tết, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, tăng giá điện 5% thì CPI sẽ tăng 0,12%.
Giải thích thêm, ông Đinh Quang Tri cho biết, hoạt động tăng giá được đặt vào thời điểm hiện tại, khi các đơn vị đã chốt số liệu tổng kết và kế hoạch năm, EVN cũng đã đánh giá tác động của việc tăng giá lên những chỉ số vĩ mô, đến đời sống của người dân, của nền kinh tế là không đáng kể.
7.700 tỷ đồng chi phí "ăn" vào giá bán, 26.700 tỷ "treo" các lần sau
Ông Tri đồng thời cũng dẫn ra một loạt ví dụ, dẫn chứng cho thấy, giá điện Việt Nam so với giá điện ở những quốc gia trong khu vực là đang rẻ hơn rất nhiều.
Cụ thể, nếu giá điện bán lẻ ở Việt Nam chưa tới 7 cents/kWh thì ở Thái Lan là hơn 9 cents, 4 tháng điều chỉnh một lần. Tại Singapore, giá điện hơn 20 cents/kWh, điều chỉnh mỗi quý một lần; Philippines 27-28 cents/kWh, điều chỉnh mỗi tháng 1 lần. Ở nước ngày, giá điện do đơn vị phân phối tự quyết, Ủy ban điều tiết điện lực có vai trò thẩm định, nếu mức tăng/giảm giá sai quy định thì sẽ phạt nặng.
"Dẫn chứng cho thấy, giá điện Việt Nam so với giá điện ở những quốc gia trong khu vực là đang rẻ hơn rất nhiều".
Riêng trong đợt tăng ngày 22/12/2012 này, giá điện bao gồm việc phân bổ 3.000 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá năm 2012, 3.800 tỷ đồng chênh lệch giá khí do vượt khí bao tiêu; ngoài ra còn 900 tỷ đồng phát sinh trong quý IV từ khoản phải bù vào vì tăng giá than từ ngày 15/9.
Hiện tại, các cơ quan vẫn chưa thống nhất mức điều chỉnh giá than bán cho điện như thế nào, nhưng lộ trình tăng giá hai mặt hàng sẽ phải gắn với nhau.
Tính cả 3.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá trong năm nay, tổng cộng, phần chi phí phát sinh từ các nguồn trên đối với kinh doanh điện của EVN năm nay đã là 7.700 tỷ đồng. Riêng khoản 26.700 tỷ đồng còn tồn đọng chưa tính trong đợt tăng giá này và sẽ phân bổ hợp lý trong những lần điều chỉnh tiếp.
Trong lần tăng giá điện hôm 1/7/2012, doanh thu của EVN được tăng thêm 3.700 tỷ đồng.
Đoàn Huế (Theo Dân trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo