Giá điện tăng và những tác động đến ngành thép, xi măng
(vov) Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho biết, điện đang chiếm từ 10% đến 15% giá thành sản xuất. Giá điện tăng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành thêm khó khăn. Hiện nay, gần một nửa số doanh nghiệp xi măng đang làm ăn thua lỗ, thậm chí ngừng một phần hoạt động hoặc chuyển sang làm dịch vụ nghiền gia công cho các đơn vị khác.
Trong khi đó, ông Lại Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty thép Việt Nam – Australia lại cho rằng, giá điện tăng chắc chắn chi phí sản xuất sẽ tăng. Nhưng trước mắt chưa thể tăng ngay giá bán vì còn phụ thuộc vào thị trường. Ngành thép đang gặp khó khăn, tại Hải Phòng 4 doanh nghiệp luyện thép phải dừng sản xuất, một số doanh nghiệp cán thép khác cũng không hoạt động, hàng nghìn công nhân không có việc làm. Các doanh nghiệp đã tính tới các biện pháp tối ưu hóa chi phí khởi động, vận hành máy để giảm giá thành sản phẩm.
Ông Lại Quang Trung nhấn mạnh: “Ngành thép hiện nay đang rất khó khăn, cái khó này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng một trong những khó khăn là giá điện tăng. Sức chịu đựng của doanh nghiệp cũng có giới hạn, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Chúng tôi đang cố gắng đặt mục tiêu duy trì sản xuất, lo công ăn việc làm cho người lao động lên hàng đầu trong bối cảnh này. Còn lợi nhuận của doanh nghiệp đôi khi lại trở thành thứ yếu”.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, giá điện tăng chủ yếu là do giá than và giá khí tăng mạnh. Giá bán than bán cho điện đã tăng bình quân 40%. Để bù đắp đủ thì giá điện bán lẻ phải tăng 10%. Tuy nhiên, Tập đoàn chỉ đề xuất Bộ Công thương tăng 5%. Với mức tăng này, dự kiến Tập đoàn thu được khoảng 3.500 tỷ đồng/năm, vẫn chưa đủ bù lỗ do giá than và khí tăng tới 6.000 tỷ đồng. Với khoản lỗ 8 tỷ đồng còn treo lơ lửng lâu nay, liệu từ nay đến cuối năm ngành điện có tiếp tục tăng giá bán lẻ.
Ông Đinh Quang Tri khẳng định: Từ nay đến cuối năm, sẽ không điều chỉnh giá điện lần nào nữa. Chúng tôi phải điều hành giảm chi phí sản xuất, làm sao có khoản lợi nhuận bù cho phần do chi phí than và khí tăng, để đảm bảo năm 2013 không bị lỗ. Đến cuối tháng 12/2013, EVN sẽ tính toán giá thành thực hiện năm 2013 và lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2014 để trình Bộ Công thương và Chính phủ phê duyệt”.
Giá điện tăng cùng với sự tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ tác động nhất định tới nền kinh tế. Chỉ tính riêng trong tháng 8, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng 0,12%.
Bà Nguyễn Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, từ nay đến cuối năm, việc điều hành giá cần thận trọng: “Nếu tăng giá điện và xăng dầu cùng 1 tháng thì sẽ ảnh ưởng đến CPI"
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013 vừa qua, các thành viên Chính phủ cho rằng: mặc dù lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại, nhất là trong những tháng cuối năm. Do đó, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp cần có biện pháp bình ổn thị trường, tránh để giá hàng hóa tăng theo kiểu “té nước theo mưa”, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp.
Chung Thủy-Ngọc Hà
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD