Giá điện, xăng dầu làm méo mó nền kinh tế
Thủ tướng chỉ rõ, giá điện phải theo thị trường, phải tính đúng, tính đủ, không bao cấp, bù lỗ làm méo mó nền kinh tế, không khuyến khích công nghệ rẻ, lạc hậu.
Bù lỗ giá điện làm méo mó nền kinh tế
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ như vậy tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ Công thương ngày 10/1.
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu, đi liền với giá thị trường. Chúng ta đi một bước dài, xăng dầu không bù lỗ nữa, nhưng phải công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá.
"Tôi yêu cầu anh Hoàng (Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng - PV) bằng cách nào đó để các yếu tố hình thành giá nhập, giá bán phải công khai hết. Phương tiện thông tin có hết, đưa lên truyền hình, điện thoại di động, đâu có tốn bao tiền, ai bật lên cũng biết giá xăng dầu bao nhiêu tiền, yếu tố hình thành giá như thế nào, lợi nhuận ra sao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, giá điện phải theo thị trường, phải tính đúng, tính đủ, không bao cấp, bù lỗ làm méo mó nền kinh tế, không khuyến khích công nghệ rẻ, lạc hậu. Không thể giữ giá điện thấp, nhưng phải hết sức công khai, minh bạch yếu tố hình thành giá trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà người dân nào muốn cũng tiếp cận được.
Từng nói về thông tin EVN đề nghị Chính phủ tiếp tục cho tăng giá điện ở mức hơn 1.533 đồng/kWh trong 2014, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói, việc đó hợp lý nhưng cũng có vấn đề.
Ông Thành phân tích, không nói riêng EVN, mà tất cả các sản phẩm phân phối cho nền kinh tế với tính chất độc quyền phải điều chỉnh lại giá cho hợp với tình trạng thật của thị trường. Các cơ quan chức năng phải giám định, kiểm tra giá của các tổ chức đó.
EVN hay Viettel, Vinaphone, Mobiphone, tất cả đều ở trong tình trạng chưa rõ giá thật là gì, lợi nhuận là bao nhiêu, chênh lệch bao nhiêu là hợp lý.
"Về phía EVN, nếu làm sai thì phải sửa, chi phí chỗ nào không hợp lý thì phải giải trình. Chính phủ có trách nhiệm giám sát những cái EVN làm có đúng không, cũng là vai trò của các bộ ngành hữu quan. Chắc chắn cả chục năm nay rồi, chứ không phải giờ, từ những năm 80-90 đến nay, giá điện EVN không hợp lý, không đi sát giá thành của điện. Làm méo mó cả nền kinh tế Việt Nam. Từ chỗ giá điện như vậy thì nó ra giá thành cuối cùng của sản phẩm như vậy. Bây giờ điều chỉnh lại là nền kinh tế vướng vào thế khó", ông Thành phân tích.
Tăng giá, bù lỗ từ túi tiền dân
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa đã nhấn mạnh "điều chỉnh giá tăng là để xóa bao cấp một bước qua giá, tránh làm "méo mó" toàn bộ hệ thống giá" khi trao đổi về điều chỉnh giá một số các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, than...
Về giá xăng, Cục trưởng nêu rõ, việc sử dụng các công cụ để bình ổn giá (chứ không phải cố định giá), trong đó có việc phải điều chỉnh giá cũng là bình thường.
Điểm khiến dư luận băn khoăn là, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm sâu, nhưng thay vì giảm giá bán lẻ trong nước, các doanh nghiệp đầu mối lại tăng chiết khấu hoa hồng cho các đại lý để tranh giành thị phần. Cơ quan quản lý Nhà nước vẫn có câu trả lời cũ là đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá thế giới để làm sao sử dụng các công cụ giá, thuế, quỹ bình ổn phù hợp theo tinh thần của Nghị định 84 của Chính phủ.
Theo nhiều chuyên gia, việc cơ quan quản lý vẫn cho phép các doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá dù giá trên thị trường thế giới đã giảm sâu từ hơn một tháng nay là không phù hợp. Bởi quỹ bình ổn sinh ra để bình ổn chỉ khi thị trường có những biến động bất thường. Việc áp dụng xả quỹ bình ổn theo kiểu ứng trước bù đắp sau thực chất sẽ không gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mà chỉ có người tiêu dùng là thiệt đơn, thiệt kép. Lượng kinh phí doanh nghiệp ứng trước để giữ giá bán sẽ được người tiêu dùng bù trong mỗi lần mua xăng dầu.
Một thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, sau khi công bố điều chỉnh tăng giá xăng dầu, Quỹ Bình ổn xăng dầu tại các doanh nghiệp hết năm 2012 tăng 100 tỷ đồng (tổng số dư hiện có là 170 tỷ đồng).
Cũng theo báo cáo công bố, 10 trong số 17 doanh nghiệp có số dư quỹ dương, với tổng số gần 600 tỷ đồng. Trong đó, những doanh nghiệp có thị phần lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty xăng dầu Quân đội (MPEC) đang dư 138 đến 305 tỷ đồng.
Số dư của Quỹ khi chưa tăng giá thấp cho thấy chỉ cần một động tác nhẹ từ phía cơ quan quản lý, tiền rót từ túi dân sang túi doanh nghiệp một cách rất dễ dàng bởi dù thế nào thì họ cũng không có lựa chọn khác.
Trước đó, vào thời điểm ngày 5/12/2013, Bộ Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp xăng dầu được tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn để bù lỗ sớm hơn quy định 3 ngày để bù lỗ.
Cụ thể, đối với mặt hàng xăng, doanh nghiệp được tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá thêm 100 đồng/lít (từ 200 đồng/lít lên 300 đồng/lít). Mặt hàng dầu diezel tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá thêm 200 đồng/lít (từ 300 đồng/lít lên 500 đồng/lít).
Ước tính, mỗi tháng, Việt Nam tiêu thụ 1 triệu tấn xăng dầu, mỗi ngày trung bình sẽ tiêu thụ khoảng 40 triệu lít xăng dầu. Với chỉ đạo mới, các doanh nghiệp sẽ được bù thêm tổng cộng 300 đồng lít cả xăng và dầu diezel. Như vậy, tổng số tiền Quỹ bình ổn bù cho giá xăng dầu mỗi ngày sẽ tăng thêm 12 tỷ đồng.
Nếu nhân con số này với 3 ngày sớm hơn quy định, các doanh nghiệp đã được bù thêm 36 tỷ đồng từ Quỹ Bình ổn xăng dầu. Còn đem con số sử dụng xăng mỗi ngày, nhân với số giá tăng thêm thì sẽ thấy Quỹ có thể tăng lên nhanh chóng cũng là dễ hiểu.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo