Xã hội

Gia đình 3 thế hệ không hộ khẩu, CMND

Do thay đổi chỗ ở, một gia đình 3 thế hệ phải chịu cảnh hơn 30 năm trời không ai có một mảnh giấy tùy thân, dẫn đến gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

 Ông Nguyễn Văn Trung: “Không biết khi nào gia đình tôi mới có được hộ khẩu?” - Ảnh: Hải Nam

Trước năm 1975, ông Nguyễn Văn Trung (sinh năm 1958) cùng gia đình sinh sống tại Q.4, Sài Gòn. Sau năm 1975, gia đình ông đăng ký hồi hương về ấp Kinh 1, xã Đông Thái, H.An Biên, Kiên Giang làm ruộng và chuyển hộ khẩu về đây. Tháng 5.1983, ông Trung cùng vợ con về tạm trú tại 88/38/5/10A Nguyễn Khoái, P.2, Q.4, TP.HCM. Hộ khẩu ở Kiên Giang sau đó bị xóa.
 
Đến năm 2012, ông Trung mua được căn nhà bằng giấy tay ở địa chỉ B4/19B ấp 2, xã Quy Đức, H.Bình Chánh, TP.HCM, được cấp sổ tạm trú từ ngày 26.11.2012 và sinh sống ổn định đến nay. Do không có hộ khẩu, gia đình ông khổ trăm bề, ai cũng phải làm đủ thứ nghề kiếm sống, vì không ai có CMND để xin việc vào nhà máy, xí nghiệp. 5 người con ông Trung do không có CMND nên khi lập gia đình không được đăng ký kết hôn.
 
Thương hoàn cảnh gia đình ông Trung, ông Nguyễn Hữu Phước có hộ khẩu thường trú ở B4/19B ấp 2, xã Quy Đức, H.Bình Chánh, TP.HCM đồng ý bảo lãnh gia đình ông Trung được nhập khẩu ghép. Tuy nhiên, Công an xã Quy Đức cho rằng muốn bảo lãnh thì nhà ông Phước phải có “sổ hồng”, trong khi đó nhà ông chỉ mới có “sổ đỏ”.
 
Có thể linh động giải quyết
 
Thượng tá Cao Văn Đen, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM, cho biết trường hợp của ông Trung cần đáp ứng các điều kiện sau đây là có thể được nhập hộ khẩu vào hộ ông Nguyễn Hữu Phước: Có cư trú thực tế tại địa chỉ B4/19B ấp 2, xã Quy Đức, H.Bình Chánh, TP.HCM; Có hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ giữa hộ ông Nguyễn Hữu Phước và ông Nguyễn Văn Trung, đồng thời nhà ông Phước có đủ diện tích sàn để các nhân khẩu nhà ông Trung sinh sống theo quy định 5 m2/người; Có xác nhận của Công an Q.4 (nơi trước đó gia đình ông Trung tạm trú) về việc hộ ông Nguyễn Văn Trung tạm trú tại địa phương đủ 12 tháng.
 
“Trong trường hợp này, do sự bảo lãnh của ông Phước bị vướng nên để giải quyết cho ông Trung có hộ khẩu, nếu nhà ở của ông Trung hiện nay là nhà ở ổn định, không tranh chấp, không quy hoạch, không lấn chiếm, chính quyền địa phương có thể linh động xác nhận cho ông Trung đang ở nhà hợp pháp, để ông Trung có thể nhập hộ khẩu vào chính căn nhà mình đang ở”, thượng tá Cao Văn Đen nói.
 
Theo Thanh niên Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo