Chân dung

Gia đình Mellons - giàu mãi 5 đời

Những người thừa kế đời chắt, chít của vị gia tiên Thomas Mellon trong gia đình Mellons (Mỹ) vẫn đang ăn nên làm ra với khối tài sản 12 tỉ USD, đứng thứ 19 những gia đình giàu nhất nước Mỹ.

Gia đình Mellons nhập cư từ Ailen sang Pittsburgh, Pennsylvania. Gia đình này hiện sở hữu các công ty lớn có thể kể đến như Ngân hàng Mellon New York, Công ty Chevron, Công ty sản xuất Aluminum của Mỹ (ALCOA), Hãng đóng tàu New York.
 

Bước đệm ngân hàng

Năm 1869, vị thẩm phán xuất thân nông dân gốc Ailen Thomas Mellon cùng hai người con trai Andrew W.Mellon và Richard B. Mellon thành lập Ngân hàng T. Mellon & Sons', vốn sau đó được đổi tên thành Mellon National Bank vào năm 1902 trước khi chính thức sáp nhập với Ngân hàng New York (Bank of New York) để trở thành Ngân hàng BNY Mellon (The Bank of New York Mellon) vào năm 2007.

Vào thời điểm thành lập Ngân hàng T. Mellon & Sons', người con trai giống bố hơn cả là Andrew Mellon đã học được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm trước khi trở thành bộ trưởng ngân khố Hoa Kỳ từ năm 1921 đến năm 1932.

Chính Andrew cùng Richard Beatty Mellon đã dám bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư vào các ngành than đá, thép, nhôm, xây dựng đường ống dẫn dầu và xe lửa ngay trước khi Thế chiến thứ I nổ ra, trực tiếp giúp phát triển công nghiệp tại thành phố quê nhà Pittsburgh, và gián tiếp giúp biến gia đình này trở thành những người giàu có nhất nước Mỹ.

Tiếp đến, con trai của Richard Beatty Mellon là Richard King Mellon, nhờ sử dụng khoản tiền lãi ngân hàng của gia đình một cách khôn ngoan, được tôn vinh như một trong những cá nhân đã giúp tái thiết Pittsburgh sau Thế chiến II.

Sau này, con cái ông đã lấy tên cha mình để đặt cho Quỹ Richard King Mellon (giá trị 2 tỉ USD), vốn đóng góp tích cực cho các hoạt động xã hội của thành phố đến tận ngày nay.

Sau đó, trong suốt quá trình hoạt động của mình, Ngân hàng Mellon của gia đình này đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, bao gồm dầu khí (Thomas Mellon cùng con là nhà đầu tư và cổ đông chính trong tập đoàn dầu khí Gulf Oil, vốn sau này sáp nhập với Công ty Standard Oil of California và Chevron vào năm 1985), khai thác mỏ (Công ty nhôm Alcoa), truyền thông (tờ Pittsburgh Tribune-Review), hóa phẩm (Tập đoàn Koppers), đóng tàu (Công ty New York Shipbuilding) cùng sự hiện diện về mặt tài chính sâu sắc ở nhiều doanh nghiệp và công ty khác như Hãng thực phẩm H.J.Heinz, tạp chí Newsweek, Hãng thép US Steel hay Hãng xe hơi General Motors.

Giàu nhờ "vàng đen"


Tuy nhiên, nếu khởi nguồn nhờ lĩnh vực ngân hàng thì tâm điểm thịnh vượng chủ yếu của nhà Mellon lại đến từ "vàng đen".

Nói cách khác, thật sai lầm khi bàn về gia sản nhà Mellon mà bỏ qua một nguồn cung tiền chủ yếu của họ: Tập đoàn dầu khí Gulf Oil, vốn thành lập năm 1907 nhờ trợ giúp vốn từ Andrew và Richard Beatty Mellon, hai nhân vật phụ trách "nhánh" ngân hàng.




Matthew Mellon - Ảnh: Internet

 

Một nhân vật chủ chốt trong Gulf Oil là nhà đồng sáng lập William Larimer Mellon, con trai của James Ross Mellon và là cháu của Andrew và Richard Beatty.

Gulf Oil từng là hãng dầu khí lớn nhất thế giới, trước khi những sai lầm tài chính nghiêm trọng khiến công ty này phải sáp nhập cùng Standard Oil of California rồi được Chevron mua lại vào năm 1984.

Vào thời điểm cực thịnh của mình trong thập niên 1970, tài sản cố định của Gulf Oil lên đến 39,47 tỉ USD (tính theo tỉ giá hiện tại), sở hữu 58.000 nhân viên trên toàn thế giới và sản xuất 1,3 triệu thùng mỗi ngày.

Tin tiền ảo, chán ngân hàng

Như vậy, 175 năm sau ngày đặt nền móng thịnh vượng đầu tiên bởi bàn tay vị gia tiên Thomas Mellon với lĩnh vực tài chính, thế hệ hiện tại của gia đình danh gia vọng tộc này - dưới sự dẫn dắt của Matthew Taylor Mellon II, 50 tuổi - tiếp tục phát huy tài năng kiếm tiền thiên bẩm khi nắm trong tay khối tài sản 12 tỉ USD, vốn lớn hơn cả tài sản của hai gia đình Rockefellers và Kennedys cộng lại.

Một thành viên khác không kém phần nổi tiếng (nhà Mellon nổi tiếng với truyền thống tránh mặt giới truyền thông) là Richard Mellon Scaife (đã mất năm 2014), cha đẻ tờ Pittsburgh Tribune-Review và là chủ tịch của nhiều hiệp hội khác nhau, chẳng hạn như Quỹ Sarah Scaife, đặt theo tên người mẹ của ông là Sarah Cordelia Mellon, con gái của ông ngoại Richard Beatty Mellon.

Nổi tiếng với chiến dịch truyền thông "gỡ rối" bê bối cho cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton vào những năm 1990, Scaife được cho là ông trùm truyền thông quan trọng nhất phía Tây bang Pennsylvania, khi sở hữu trong tay nhiều đầu báo và cổ phần trong tờ tạp chí trực tuyến Newsmax. Vào thời điểm Scaife qua đời tháng 7-2014 vừa qua, tài sản của ông là 1,5 tỉ USD.

Giờ chỉ còn lại Matthew Taylor Mellon II là nhân vật nổi tiếng nhất, và "chịu" tiếp chuyện báo chí nhất trong đại gia đình.

Ông là người tiếp nối triệt để truyền thống của vị gia tiên hơn cả, khi đầu tư vào một danh mục lớn những lĩnh vực kinh doanh khác nhau, sau một khởi đầu và hành trình "lạ lùng": cha của Matthew - Karl Mellon - vắng bóng trong gần suốt tuổi thơ ông (và về sau tự sát), còn mẹ ông - Anne - cùng người cha dượng J.Reeve Bright, một luật sư quyền lực và là họ hàng xa của Theodore Roosevelt, đã không cho ông biết về gốc gác của mình, và những gì ông có thể thừa hưởng trong phần lớn giai đoạn niên thiếu.

Nên khi thừa hưởng 14 quỹ đầu tư có tổng trị giá 25 triệu USD ở tuổi... 21, Matthew không biết làm gì nhiều cho đến khi gặp gỡ và cưới Tamara Mellon, đồng sáng lập kiêm giám đốc hãng giày thời trang Jimmy Choo.

Hiện tại, ông và vợ vừa cho ra mắt thương hiệu thời trang Hanley Mellon vào tháng 10-2014 vừa qua, cũng như rất bận rộn với Coin.co, công ty thanh khoản bằng tiền kỹ thuật số bitcoin do ông đầu tư và làm chủ với 2 triệu USD.

"Tôi cảm thấy người ta đã chán ngấy các ngân hàng rồi", ông trả lời tạp chí Forbes và tin rằng đồng tiền "ảo" này sẽ thay thế đồng USD vào một ngày không xa.

 

 

Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo