Giá gas tăng cao nhất từ 2012 đến nay
Giá gas tăng 70-80 nghìn đồng/kg gây bức xúc không chỉ với các hộ gia đình mà kể cả các hộ sản xuất kinh doanh, và ngay cả DN kinh doanh gas cũng cảm thấy rất khó khăn trước sự tăng giá này.
Đây là nhận định của Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Nguyễn Xuân Chiến về việc tăng giá gas thêm 80 nghìn/bình trong thời gian qua.
Ông Chiến giải thích: “Trước hết, có thể khẳng định đợt tăng giá gas này hoàn toàn theo quy định của luật giá, nghị định 177 quy định chức năng thẩm quyền liên quan đến quản lý nhà nước về giá cơ quan đầu mối là Bộ Tài chính. Bộ Công Thương cũng đã tích cực tham gia quản lý thị trường gas. Và mặt hàng gas không như mặt hàng khác vì có thể lựa chọn các chất đốt khác như củi, điện… nên việc tăng giá gas không phải là độc quyền”.
Ông Chiến cho rằng, nguyên nhân khiến giá gas tăng là do giá gas thế giới tăng. Mặt hàng gas ở Việt Nam hiện nay không phải hoàn toàn tự túc, lượng gas sản xuất trong nước chỉ chiếm gần 50%, còn lại trên 50% là gas nhập khẩu nên việc giá gas thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến giá gas trong nước.
Vì vậy, để giảm giá gas trong thời gian tới, Hiệp hội Gas Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu gas từ 5 xuống 0%. Đồng thời các cơ quan chức năng phải có biện pháp để hạn chế việc lợi dụng giá gas thực hiện theo cơ chế thị trường để thao túng nâng giá tùy tiện. Bộ Công thương có thể đề nghị phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra các DN tự ý tăng giá gas.
Để đảm bảo tính minh bạch cho thị trường gas, các cơ quan quản lý cần kiểm tra yếu tố hình thành giá, qua kết luận nếu thấy sai phạm phải có hướng xử lý nghiêm khắc. Thứ 2, cơ quan quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Thứ 3 là công cụ Nghị định 107 hướng dẫn thi hành luật giá, đây cũng là một công cụ hữu hiệu, quy định cụ thể liên quan đến việc quản lý thị trường gas. Bộ Công thương đã rà soát đánh giá việc thực hiện nghị định 107 về việc kinh doanh gas để phát hiện và đề xuất chính phủ sửa đổi nghị định 107.
Còn với việc Công ty PVN chiếm thị phần lớn có hiện tượng lợi dụng thị trường lớn vi phạm quy định luật cạnh tranh, ông Chiến cho rằng: “Dù DN chiếm thị phần lớn nhưng không lợi dụng vị trí thống lĩnh cũng không vi phạm luật cạnh tranh. Và kể cả những DN có thị phần lớn cũng không thể tự ý nâng giá, vì cơ cấu và yếu tố hình thành giá có phù hợp hay không phải có sự giám sát kiểm tra giám sát của các bộ ngành liên quan.
Mặt khác cứ 6 tháng 1 lần tổ chức đấu giá giữa các DN có quyền kinh doanh xuất nhập khẩu gas nên việc lợi dụng thị trường lớn để tăng giá là không thể”.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo