Thị trường

Giá lúa giảm do ghe mắc cạn

Hai tuần gần đây, lúa do chậm mua nên chất lượng giảm, chi phí vận chuyển tăng, thương lái cũng không thể vô ruộng mua lúa được vì ghe 10-20 tấn mắc cạn.

Theo VFA, hiện các ghe lớn khó vô sâu trong đồng để mua lúa. Trong ảnh: Thu mua lúa bằng ghe nhỏ ở Bạc Liêu.

 

Tại buổi giám sát tình hình mua tạm trữ lúa đông xuân tại TP Cần Thơ ngày 6-4, ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), đề nghị Bộ NN&PTNT cùng chính quyền các địa phương ở ĐBSCL phải có giải pháp cải tạo hệ thống kênh mương bởi hiện nay các ghe 10-20 tấn không thể vào mua lúa của nông dân. 

 

“Hai tuần gần đây, ngay cả lúa IR 50404 cũng bị gãy đổ do chậm mua nên chất lượng giảm, trong khi chi phí vận chuyển tăng, thương lái cũng không thể vô ruộng mua lúa được nên nông dân khó bán, giá bị giảm. Cần nạo vét kênh mương cho người dân đủ nước tưới cũng như vận chuyển được lúa và hạn chế tình trạng lúa kém chất lượng” - ông Năng nói.

 

Cũng tại buổi giám sát, ông Đào Anh Dũng, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đề nghị VFA cần xem xét năng lực doanh nghiệp để phân bổ chính xác chỉ tiêu mua lúa gạo tạm trữ, đảm bảo doanh nghiệp làm tròn trách nhiệm của mình khi tham gia chương trình này.

 

“Những doanh nghiệp nào đến nay vẫn chưa mua đạt chỉ tiêu, tới đây cần phải xem xét lại. Chỉ còn mấy ngày nữa hết thời hạn mà mua chưa tới 50% (TP Cần Thơ có 8/22 doanh nghiệp mua chưa đạt 50% chỉ tiêu), dân hết lúa rồi thì mua ở đâu?” - ông Dũng hỏi.

 

Ông Năng cho biết ngay khi triển khai mua tạm trữ được bảy ngày, VFA biết có 12 doanh nghiệp (đăng ký mua tương đương 49.000 tấn gạo) không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, trong đó có hai doanh nghiệp xin trả lại chỉ tiêu (khoảng 12.000 tấn), doanh nghiệp còn lại đề nghị được tiếp tục thương lượng với ngân hàng thương mại.

 

Đến nay VFA đã có hai lần điều chỉnh chỉ tiêu phân bổ tổng cộng khoảng 63.000 tấn gạo, trong đó lần đầu tiên điều chỉnh (40.000 tấn) là do “triển khai được 15 ngày rồi mà một số doanh nghiệp mua chưa được 50%, VFA dứt khoát phải cắt lại phân nửa chỉ tiêu rồi chia lại cho các doanh nghiệp khác mà lúc đó đã mua xong hoặc gần xong chỉ tiêu được giao”.

 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kiều - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ - đề nghị Bộ NN&PTNT cần tham gia một phần trong việc mua lúa tạm trữ, sau đó bán đấu giá lại cho doanh nghiệp, đồng thời tạm trữ lúa thay vì tạm trữ gạo để nâng cao chất lượng sản phẩm và kéo dài được thời gian bảo quản.

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo