Pháp luật

Giả mạo, nhái nhãn hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ: Chịu hậu quả pháp lý như thế nào?

Với giá chỉ bằng một nửa hàng thật, đồ lót Triumph nhái đội lốt “hàng xuất Nhật” đang tràn ngập thị trường. Đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, những cá nhân hay tổ chức nào cố tình vi phạm thì cần biết những quy định của pháp luật sau đây để “né” kẻo vướng vòng lao lý.

lNhững quảng cáo rao bán áo ngực chính hãng giá rẻ đang tràn lan trên mạng Internet. (Ảnh minh họa)

 

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn  (Cty NewVision Law) cho rằng: Thứ nhất, căn cứ theo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) thì: “Nhãn hiệu là dấu hiệu (thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ảnh ba chiều dùng hoặc kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc) để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác nhau. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập và bảo hộ dưới hình thức Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu”.“Trường hợp sản phẩm, hàng hóa có gắn dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình bày so với nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại thuộc phạm vi bảo hộ thì bị coi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”.

Trong trường hợp này, hàng nhái đồ lót Triumph được coi là hàng giả mạo, hàng nhái và xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Thứ hai, hướng xử lý và hậu quả pháp lý của hành vi hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên.

- Về phía chủ sở hữu nhãn hàng đồ lót Triumph: Hiện nay, phía chủ sở hữu nhãn hàng đồ lót Triumph cũng đưa ra các cách thức phân biệt giữa hàng chính hãng và hàng giả, hàng nhái. Theo chúng tôi, đây là biện pháp chỉ mang tính chất tạm thời, ít hiệu quả khi tâm lý của người dân là cùng hãng nhưng rẻ là mua. Trong trường hợp như trên, biện pháp hữu hiệu nhất đối với chủ sở hữu đồ lót Triumph có thể áp dụng các biện pháp, Khoản 1 Điều 198 Luật SHTT: Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. 

Như vậy, chủ sở hữu nhãn hàng đồ lót Triumph có quyền áp dụng các biện pháp xử lý và tùy theo tính chất và mức độ xâm phạm đưa ra các biện pháp thích hợp để xử lý. Nhưng vấn đề đầu tiên đặt ra hiện nay là bên đồ lót Triumph tìm ra chủ sở hữu của hàng hóa nhái này, cùng các tài liệu chứng minh để tìm ra để có thể lựa chọn biện pháp xử lý thích hợp.

- Về phía chủ sở hữu hàng nhái nhãn hàng đồ lót Triumph: Căn cứ theo Khoản 1 Điều 199 Luật SHTT thì:“Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”.

Biện pháp hành chính: Các cơ quan quản lý hành chính có thẩm quyền ra quyết định xử phạt nếu kết luận là có vi phạm.

Biện pháp dân sự:  Đại diện của chủ sở hữu nhãn hiệu có thể yêu cầu tòa án (Điều 202 Luật SHTT): Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền SHTT.

Biện pháp hình sự: Trong trường hợp hành vi của chủ sở hữu hàng nhái nhãn hiệu đồ lót Triumph thỏa mãn Điều 171 Bộ luật Hình sự thì chủ sở hữu Triumph có thể áp dụng biện pháp hình sự.

Về cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT: Theo Điều 200 Luật SHTT năm 2005 và Nghị định số 97/2010/NĐ-CP thì những cơ quan sau có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm  là: Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ); Cảnh sát kinh tế; Quản lý thị trường; Ủy ban nhân dân (từ cấp huyện).

Như vậy, với hành vi xâm phạm nhãn hiệu của chủ sở hữu hàng nhái Triumph thì hậu quả pháp lý, mức phạt áp dụng là rất lớn. Mức phạt có thể lên đến 500 triệu đồng và có thể kèm theo: Thu hồi số tiền thu lợi bất hợp pháp, tiêu huỷ yếu tố vi phạm, hàng hoá giả mạo, đưa vào lưu thông phi thương mại (mục đích nhân đạo....). Vấn đề đặt ra nữa là làm gì để bảo vệ hàng hóa, tránh hàng giả, hàng nhái. Hiện nay biện pháp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là biện pháp hữu hiệu nhất, đó là cách bảo vệ sản phẩm an toàn nhất cho các cá nhân, doanh nghiệp.

Theo báo Pháp luật
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo