Thị trường

Giá nhảy lên, tăng trưởng đi xuống

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2011 đạt 10,13% (chỉ tiêu kế hoạch 12%). Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Sáng 7/12, ông Nguyễn Văn Sửu đã báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch năm 2012, trước HĐND thành phố. Theo ông Sửu năm 2011 mặc dù còn nhiều khó khăn, song sản xuất kinh doanh của Hà Nội tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 10,13%, gấp 1,67 lần của cả nước. Tuy nhiên, mức tăng này tuy thấp hơn năm 2010 (11,04%) và cũng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 12% trong năm 2011.
 
 Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do chỉ số giá tiêu dùng ở mức cao (ảnh: TPO)

Các đơn vị của thành phố đã thực hiện nghiêm túc chủ trương tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên và tạm dừng mua sắm tài sản với tổng số tiền tiết kiệm 368,3 tỷ đồng. Thành phố cũng thực hiện đình hoãn, giãn tiến độ, cắt giảm vốn của 252 dự án, công trình đầu tư công chưa thực sự cấp thiết với kinh phí cắt giảm trên 806 tỷ đồng để điều chuyển bổ sung cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm 2011.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng. Mặt bằng lãi suất cao đã hạn chế mở rộng đầu tư và sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp tăng chậm dần.

Số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng lên rất nhanh đã làm quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông và gây ra nhiều vụ ùn tắc giao thông kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự đô thị. Tiến độ triển khai một số dự án giao thông quan trọng còn chậm; tình trạng quá tải trong các bệnh viện, ô nhiễm môi trường, môi sinh,... chậm được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân. Ý thức của người dân trong việc tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông, trật tự xây dựng, giữ gìn cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường, môi sinh chưa thực sự có chuyển biến.

Ý thức chấp hành kỷ cương hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức chưa nghiêm. Phối kết hợp giải quyết công việc giữa các cơ quan kết quả còn hạn chế. Hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đạt như mong muốn, ảnh hưởng đến việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, năm 2012, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố mất ổn định, kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn. Dự kiến, trong năm tới Hà Nội vẫn sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Tập trung xây dựng các công trình hạ tầng khung, phát triển đô thị bền vững; khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học, y tế; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và vị thế của Thủ đô.
 

UBND TP Hà Nội vừa trình HĐND thành phố kế hoạch sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp; số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; lao động hợp đồng và định mức lao động trong các cơ quan, đơn vị của thành phố năm 2012. Theo đó, biên chế công chức của thành phố sẽ là 9.340 biên chế (trong đó, có 54 biên chế công chức dự phòng). Biên chế sự nghiệp là 120.268 biên chế (trong đó có 500 biên chế dự phòng).

 

 

Theo Dân trí

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo