Thị trường

Giá nhích lên, dân khó có thể mua ô tô giá rẻ

Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, lượng ô tô nhập về Việt Nam sụt giảm tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xe cũng nhúc nhích lên dù vậy, sức mua của người dân vẫn rất èo uột.

Xe từ nhiều thị trường bất ngờ vắng bóng

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 5/2018, cả nước nhập khẩu 8.534 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng trị giá khoảng 222 triệu USD.

Thái Lan là nước dẫn đầu trong số thị trường xuất xe vào Việt Nam với số lượng 7.212 chiếc, tổng trị giá khoảng 150 triệu USD. Tiếp đó là Trung Quốc rồi đến Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đáng chú ý, từ một thị trường nằm trong tốp đầu xuất khẩu xe sang Việt Nam (chủ yếu xe giá rẻ) song, 5 tháng qua, Ấn Độ không có chiếc nào xuất khẩu sang Việt Nam. Nguyên nhân là Tập đoàn Hyundai đã chính thức đóng dây chuyền sản xuất mẫu xe Hyundai i10 tại Ấn Độ. Đồng thời, mẫu xe bán chạy nhất này cũng được Công ty cổ phần Hyundai Thành Công Việt Nam (HTC) đưa về lắp ráp tại Việt Nam thay vì nhập khẩu như năm 2016 trở về trước.

Indonesia cũng là thị trường ô tô nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong năm 2017, thế nhưng 5 tháng đầu năm 2018 chỉ có 8 ô tô nguyên chiếc xuất sang Việt Nam, tổng trị giá khoảng 190.000 USD. Tổng cục Hải quan cho biết, tính chung 5 tháng đầu năm 2018, lượng ô tô nhập về Việt Nam sụt giảm rất mạnh (tới 80%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), xe nhập khẩu nhiều nhất có xuất xứ từ Thái Lan bởi Chính phủ nước này đã chấp nhận điều chỉnh, bổ sung luật và cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) cho các dòng xe xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Inodonesia gần đây mới sửa đổi và cấp VTA. Xe từ các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu vẫn chưa xin được VTA do Chính phủ các nước này từ chối cấp, buộc doanh nghiệp (DN) phải xin VTA của bên thứ 3 được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thừa nhận hoặc bên thứ 3 chứng nhận.

Đó cũng là lý do khiến doanh số của nhiều mẫu ô tô nhập khẩu trong tháng 5/2018 chỉ là con số 0. Theo báo cáo bán hàng mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 5, Toyota Việt Nam (TMV) có hàng loạt mẫu xe như Fortuner, Yaris, Hilux,… rơi vào “điểm chết” doanh số. Sở dĩ có tình trạng này bởi các mẫu xe trên hiện đều hết hàng tại đại lý. Vì vậy dù có nhu cầu, khách hàng cũng không thể mua được.

Bên cạnh đó, những mẫu xe như Lexus, Alphard, Land Cruiser (sản xuất tại Nhật Bản) của hãng Toyota, do chưa được cấp giấy VTA nên chưa thể về nước. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, cuối tháng 6/2018, TMV sẽ đưa lô xe nhập khẩu miễn thuế đầu tiên của hãng từ Thái Lan và Indonesia về Việt Nam.

Tiếp đến, Suzuki Việt Nam cũng có 2 mẫu xe không bán được chiếc nào trong tháng là Ciaz và Celerio. Honda Việt Nam (HVN) cũng là thương hiệu chịu ảnh hưởng khi chưa nhập được xe về nước đối với mẫu Honda Odyssey (sản xuất tại Nhật Bản).

Theo VAMA, cộng dồn từ đầu năm đến hết tháng 5/2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 10% trong khi xe nhập khẩu giảm 46% so với cùng kì năm ngoái.

Giá xe tăng, khách khó mua

Lượng ô tô nhập khẩu giảm sút khiến nguồn cung xe ra thị trường hạn chế, tạo cơ hội cho các giao dịch xe cũ tăng. Sức mua tăng lên, song lượng xe cũ rao bán không còn dồi dào như trước đã khiến giá bán tăng.

Theo khảo sát của phóng viên tại các salon ô tô cũ ở Hà Nội, trên đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy), Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm), giá ô tô cũ đều rục rịch tăng 20-30 triệu đồng. Cụ thể, giá một chiếc Kia Morning đời 2012 dao động từ 230-260 triệu đồng (tăng 20 triệu đồng so với tháng trước); Hyundai i10 sedan đời 2016 giá bán từ 390-400 triệu đồng, trong khi một tháng trước đây chỉ có giá 370-380 triệu đồng.

Toyota Vios - dòng xe cũ bán chạy nhất trên thị trường cũng có mức tăng trung bình 20 -30 triệu đồng so với tháng trước. Anh Phương, chủ một salon ô tô cũ ở đường Dương Đình Nghệ cho biết, nhiều khách hàng sẵn sàng xuống tiền đặt cọc để chờ khi nào salon có xe để được mua ngay. Hiện giá bán Vios số sàn chạy lướt đời 2017 khoảng 510 triệu đồng; Vios E 2016 hình thức đẹp có giá 480 triệu đồng…

Lượng ô tô nhập khẩu giảm đã khiến ngân sách nhà nước bị hụt thu hàng ngàn tỉ đồng. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Hải quan TP.HCM (nơi có hoạt động nhập khẩu ô tô lớn nhất cả nước), trong 5 tháng qua, kim ngạch nhóm mặt hàng ô tô các loại nhập khẩu chỉ đạt hơn 35 triệu USD, giảm gần 274 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, dòng xe 9 chỗ trở xuống giảm mạnh nhất, chỉ đạt hơn 17 triệu USD, giảm hơn 10 lần so với năm trước. Điều này khiến số thu ngân sách từ mặt hàng ô tô chỉ đạt 2.000 tỉ đồng, giảm đến hơn 5.040 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến nay, một số hãng xe lớn như Honda, General Motor, Toyota, Mitsubishi, BMW, Mercedes… đã tập hợp được VTA theo yêu cầu của Nghị định 116, phù hợp với quy định hiện hành. Đến nay các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô đã không còn gặp vướng mắc liên quan đến VTA. Nhiều dòng xe từ các thị trường khác nhau như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đức và một số quốc gia châu Âu đã nhập khẩu được về VN.

Một số nhà kinh doanh ô tô dự báo nhiều khả năng số lượng các lô xe nhập khẩu từ các thị trường hưởng thuế ưu đãi 0% về nước sẽ bắt đầu tăng dần lên kể từ tháng 6. Điều này đồng nghĩa giá xe thời gian tới có thể sẽ giảm đáng kể.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho hay, đến trung tuần tháng 5, cục đã tiếp nhận và xử lý 119 bộ hồ sơ đăng ký nhập khẩu xe từ các DN với số lượng 56 kiểu loại ô tô khác nhau và đã cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo