Thị trường

Giá sữa tăng nhưng thị trường vẫn ổn định

Nhân viên tại cửa hàng sữa Vinamilk trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, ngày 1/8 tới đây, hàng loạt sữa bột trẻ em Optimum Gold 1, Optimum Gold 2, Optimum Gold 3, Optimum Gold 4 sẽ tăng giá mỗi sản phẩm từ 10.000 đến khoảng 20.000 đồng/hộp.

Chị Cẩm Nhung, có hai con nhỏ trong độ tuổi từ 1 đến 4 tuổi tại phố Ngọc Lâm, Gia Lâm, Hà Nội cho biết: "Thời gian gần đây, tôi mua sữa cho hai con thấy giá sữa tăng lên, nhưng mức tăng không cao lắm (khoảng 10.000 đồng/hộp) nên có thể chập nhận được. Do vậy, tôi vẫn tiếp tục mua sữa cho bọn trẻ". Chị cho biết thêm, nếu giá sữa tăng nữa thì phải cân nhắc bởi mức thu nhập gia đình có hạn.

Dạo quanh các cửa hàng đại lý sữa tại Hà Nội, nhiều đại lý sữa cho biết, các hãng sữa đã tăng từ 3 - 5% trong đợt điều chỉnh. Chị Liên, chủ cửa hàng sữa trên phố Bạch Mai cho biết, từ tháng 6, hầu hết các loại sữa bột trẻ em từ 0 - 3 tuổi đều tăng từ 3 - 5%.

Khách hàng chọn mua sữa bình ổn giá. Ảnh minh họa: Lan Phương/TTXVN.

Cụ thể như: Similac 3.900 gram trước kia có giá 410.000 đồng thì nay tăng thêm 20.000 đồng. Sữa Nan 3 tăng 20.000 đồng lên 410.000 đồng/hộp 900 gram. Dielac grow plus 2 loại 1,5 kg có giá lên tới 440.000 đồng, tăng 20.000 đồng.

Nhân viên cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm cho biết, một số dòng sản phẩm sữa thay đổi bao bì và cho thêm chất mới nên giá tăng cao. Mỗi hộp tăng thêm khoảng 20.000 đồng tùy loại và trọng lượng.

Chủ cửa hàng sữa này cho biết thêm, giá nhập từ hãng tăng nên bắt buộc giá bán sữa đến tay người tiêu dùng phải tăng, nhưng cửa hàng vẫn giảm lãi hơn trước dù đã tăng giá bán lẻ.

Theo các cửa hàng sữa, giá nguyên liệu đầu vào tăng nên các nhà sản xuất cũng tăng giá theo. Ngoài ra, chi phi tăng nên nhiều đại lý dựa vào để tăng thêm khiến giá sữa càng đi lên.

Trước đó, hồi tháng 5, Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã thông báo tăng giá trong phạm vi 5% đối với 11 sản phẩm sữa bột dành cho trẻ với một số dòng. Đây là đợt tăng thứ hai của hãng này từ cuối tháng 3/2017.

 

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay đã có một số doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất sữa điều chỉnh tăng giá bán trong phạm vi 5% so với giá kê khai liền kề trước đó như: Công ty TNHH FrieslandCampina, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk).

Một số doanh nghiệp có sản phẩm mới bổ sung thêm vi chất (HMO, IQ...) bán ra trên thị trường như: Công ty TNHH FrieslandCampina, Công ty TNHH dinh dưỡng 3A Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam... có mức tăng từ 3 - 7%.

Theo đánh của các chuyên gia, từ đầu năm đến nay, tuy giá sữa thế giới tăng, nhưng thị trường sữa trong nước vẫn ổn định, dù một số đơn vị nhập khẩu, sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi điều chỉnh mức giá bán sản phẩm.

Trong trường hợp doanh nghiệp tăng giá vẫn phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BCT ngày 26/6/2017, gửi hồ sơ Thông báo điều chỉnh giá bán đối với những sản phẩm tăng giá trong phạm vi 5%, trường hợp lũy kế các lần thông báo điều chỉnh vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai hoặc thông báo lần liền kề trước đó, thương nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định; gửi hồ sơ kê khai giá đối với những sản phẩm mới về cho cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi và giám sát.

Để bình ổn thị trường trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện quản lý giá sữa trong nước theo quy định tại Thông tư 08 về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện và tiếp nhận hồ sơ kê khai giá sữa theo quy định tại Thông tư này. Đồng thời tổng hợp ý kiến của Sở Công Thương các địa phương về tình hình triển khai Thông tư 08 để có căn cứ đánh giá, triển khai công tác quản lý giá sữa trong thời gian tới.

 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá của một số đơn vị sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Nên đọc
Theo TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo