Giá thuốc: Bịt mà vẫn hở
Thị trường thuốc những tháng vừa qua được đánh giá là bình ổn bởi không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, bất hợp lý. Có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây, Thông tư 50 về quản lý giá thuốc đang được trông đợi như một giải pháp hữu hiệu để trị “căn bệnh” tăng giá luôn chực chờ thị trường thuốc chữa bệnh.
Muốn tăng giá vẫn được
Tại một số cửa hàng tân dược ở Hà Nội, nhiều nhân viên bán thuốc cho biết gần một tháng nay hầu như không có điều chỉnh tăng giá, trừ vài mặt hàng thực phẩm chức năng. Giải thích việc giá thuốc bỗng dưng đứng yên, chị Lê Thúy Quỳnh, nhân viên một hiệu thuốc ở phố Ngọc Khánh, nói: “Vài tháng trước, nhiều loại thuốc đã đua nhau tăng giá rồi. Giá thuốc không tăng một phần còn do “tác dụng phụ” từ các quy định sắp có hiệu lực”.
Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp dược tại Hà Nội, đây cũng chỉ là cái cớ để một số doanh nghiệp và nhà thuốc “bắt tay” tăng giá. “Trong thực tế, kể cả khi Thông tư 50 có hiệu lực thì muốn tăng giá, đẩy giá, doanh nghiệp và nhà thuốc vẫn làm được. Chẳng hạn, thay vì kê khai giá với cơ quan quản lý năm đồng thì họ tăng lên tám đồng để đón đầu trượt giá. Hơn nữa, theo nguyên tắc quản lý giá thuốc hiện nay, các cơ sở kinh doanh được phép tự định giá, cạnh tranh về giá và chỉ chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước” - vị này phân tích.
Được ký ban hành từ cuối tháng 12/2011 nhưng phải sau sáu tháng, Thông tư 50 mới có hiệu lực. Văn bản này đang được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu để bịt lỗ hổng trong quản lý giá thuốc. Thế nhưng, khi mổ xẻ thông tư mới, không ít chuyên gia trong lĩnh vực dược cho rằng vẫn còn những khe hở để doanh nghiệp lách.
Dù theo quy định, ngay khi nộp hồ sơ đăng ký mới thuốc nước ngoài, doanh nghiệp nhập khẩu phải đăng ký giá nhập khẩu đến cảng (giá CIF) dự kiến. Với thuốc trong nước, sau khi lô hàng đầu tiên lưu hành trên thị trường, nhà sản xuất phải công bố giá thành và các mức giá bán buôn, bán lẻ dự kiến. Giá thành thuốc sản xuất trong nước được xác định rõ dựa trên các chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, nhân công, sản xuất chung, trả lãi vay, phân bổ cho sản phẩm phụ.
Giá bình ổn ở mức cao Lâu nay, các cơ quan quản lý vẫn một mực giữ quan điểm giá thuốc đang được bình ổn, không tăng đột biến. Trong thực tế, nhiều năm nay, giá thuốc được bình ổn ở mức cao, thậm chí vẫn có tình trạng thuốc âm thầm tăng giá. Một đại diện Cục Quản lý dược cho biết khi Thông tư 50 có hiệu lực, Bộ Y tế sẽ thí điểm quản lý giá thuốc bán toàn chặng từ khâu nhập khẩu đến bán lẻ, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý giá với thuốc sản xuất trong nước và thuốc nhập khẩu. Tuy nhiên, làm thế nào để hài hòa lợi ích của người bệnh và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp xem ra vẫn là một bài toán khó. |
Không tính được giá thành hợp lý
Một số chuyên gia trong lĩnh vực dược cho rằng nhiều loại thuốc ngoại hiện nay chưa được kê đúng với giá trị thực của nó. “Điều này cũng dễ hiểu vì dù được giao trách nhiệm phối hợp với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài khảo sát giá thuốc tại những nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam để có cơ sở so sánh với giá trong nước, song từ khi có Luật Dược và nghị định hướng dẫn thi hành từ năm 2006, nhiều quy định hiện vẫn chưa làm được.
Điều này cũng không loại trừ thuốc nhập khẩu trước khi kê khai giá CIF với các cơ quan quản lý đã bị phù phép với giá trên trời từ nước ngoài” - một chuyên gia phân tích.
Yêu cầu Bộ Y tế phải xây dựng giá tối đa cho từng mặt hàng thuốc đang lưu thông trên thị trường cũng được đánh giá là không khả thi. Trong một thị trường có 22.000 mặt hàng với hơn 1.500 hoạt chất, mỗi hoạt chất lại có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, nhà sản xuất, nước sản xuất khác nhau... thì cơ quan quản lý cũng đành chịu thua vì không có cơ sở xác định chính xác, chưa kể việc làm này có thể làm giá thuốc tăng.
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước