Thị trường

Giá xăng khó giảm vì cơ chế 20 ngày?

Cơ chế cứ 10 ngày tăng, giảm theo giá thế giới là rất cần thiết, nên được áp dụng.

Giá thế giới liên tục giảm nhưng giá xăng trong nước vẫn chưa giảm theo. Bao giờ thì giá xăng trong nước giảm?

 

Điều hành lạc nhịp

 

Nhìn lại diễn biến giá xăng dầu trong nước thời gian qua, có thể thấy giá xăng trong nước thường xuyên lạc nhịp với giá thế giới.

 

Giá xăng trong nước tăng, giảm không theo nhịp của giá xăng thế giới còn vì hai khoản dính kèm với xăng là thuế và quỹ bình ổn. Khi giá thế giới giảm, thay vì giảm giá xăng trong nước thì Nhà nước tăng thuế, tăng trích quỹ bình ổn. Khi giá thế giới tăng, thay vì tăng giá xăng trong nước thì Nhà nước giảm thuế, cho doanh nghiệp dùng quỹ bình ổn. Vì vậy mà giá xăng có vẻ lạc nhịp.

 

Vấn đề quan trọng là trong sự lạc nhịp đó có nhiều bất hợp lý. Cụ thể, giá xăng thành phẩm A92 trung bình thế giới tháng 8/2011 là 119 USD/thùng. Khi đó giá xăng trong nước là 20.800 đồng/lít, trong đó thuế nhập khẩu là 0%, trích quỹ bình ổn 300 đồng/lít.



Loạn con số lỗ

Việc minh bạch lỗ, lãi của doanh nghiệp xăng dầu là điều mà dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua dư luận cũng không biết thực tế doanh nghiệp lỗ bao nhiêu. Chính cơ quan quản lý nhà nước cũng liên tục thay đổi con số.

Tháng 9/2011, đoàn kiểm tra Bộ Tài chính đã có đợt kiểm tra tại Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Kết quả ban đầu bộ này đưa ra là trong sáu tháng đầu năm Petrolimex lỗ hơn 1.840 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó một thời gian, một tờ báo đưa thông tin bộ này công bố lại, số lỗ của Petrolimex chỉ còn… 1.300 tỉ đồng.

Nguyên nhân lỗ là do Petrolimex đã chi quá tay cho các chi phí kinh doanh, hoa hồng cho đại lý và do chênh lệch tỉ giá.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc để cuối năm mới kiểm tra một lần thì quá lâu. Trong khi Petrolimex chiếm gần 60% thị phần xăng dầu. Vì vậy, cơ quan quản lý phải kiểm tra thường xuyên, phải có tư liệu, con số theo dõi sát sao hằng ngày.

 

Sau nhiều đợt tăng, giảm, đến nay khi giá thế giới còn 114 USD/thùng, thuế nhập khẩu cũng bằng 0%, mức trích quỹ bình ổn cũng là 300 đồng/lít nhưng giá xăng trong nước hiện là 23.300 đồng/lít, cao hơn giá tháng 8-2011 đến 2.500 đồng/lít.

 

Giảm chậm là do… dư luận

 

Nghị định 84/2009 quy định giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, doanh nghiệp được quyền quyết định giá. Thời gian tối thiểu giữa hai lần tăng giá là 10 ngày. Thời gian tối đa giữa hai lần giảm giá là 10 ngày.

 

Như vậy, trở lại với giá hiện tại, giá thế giới liên tục giảm 9-5 (lần giảm giá xăng trong nước) tới nay đã quá 10 ngày, nếu chiếu theo Nghị định 84 thì doanh nghiệp đã phải giảm tương ứng.

 

Vì sao doanh nghiệp không giảm? Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết khi Nghị định 84 có hiệu lực (tháng 12/2009), doanh nghiệp cũng thực hiện theo nghị định này. Vào thời điểm đó giá xăng thế giới liên tục tăng. Vì vậy, vừa mới áp dụng Nghị định 84 thì giữa tháng 1/2010, doanh nghiệp đã tăng 450 đồng/lít xăng.

 

Một tháng sau, doanh nghiệp tăng thêm 590 đồng/lít (xăng A92 16.990 đồng/lít). Nửa tháng sau, doanh nghiệp vừa chớm có ý định tăng giá thì dư luận liên tục phản ứng sao tăng nhanh thế!

 

Vì dư luận phản ứng mà Bộ Tài chính phải can thiệp, dùng các biện pháp như giảm thuế nhập khẩu thuế, sử dụng quỹ bình ổn để điều hành giá xăng.

 

Từ đó đến nay, Nghị định 84 chỉ còn trên giấy. Quy định 10 ngày tăng, giảm theo giá thế giới đã bị quên.

 

Doanh nghiệp này cho rằng nếu trước đây dư luận không phản đối việc doanh nghiệp tăng giá theo giá thế giới thì bây giờ giá thế giới giảm thì mới buộc được doanh nghiệp giảm ngay.

 

Cơ chế… 20 ngày

 

“Thực tế, nghị định duy nhất trực tiếp điều hành xăng dầu là Nghị định 84. Tất nhiên, Nghị định 84 vẫn có những điểm bất ổn cần chỉnh sửa nhưng về cơ bản thì nên theo cơ chế này” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh.

 

Ông Long nhận xét ngày 20/4 giá xăng tăng, đến 9/5 giá xăng giảm, cách khoảng 20 ngày. Như vậy, cũng có thể hiểu ngầm với nhau là Bộ đã có sự thay đổi về cơ chế điều hành. Điều hành giá chỉ trong vòng 20 ngày.

 

Nếu nhận định này đúng, có khả năng giá xăng trong nước sẽ giảm vào khoảng ngày 30/5.

 

Theo một chuyên gia xăng dầu, cơ chế cứ 10 ngày tăng, giảm theo giá thế giới là rất cần thiết, nên được áp dụng. Điều quan trọng khi áp dụng cơ chế này là Nhà nước vẫn phải giám sát và ấn định. Không thể giao quyền cho doanh nghiệp muốn đưa ra mức nào thì đưa. Khi còn cơ chế độc quyền thì doanh nghiệp không thể ấn định giá.

 

Theo PL TPHCM

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo