Thị trường

Giải bài toán nợ “khủng” của các tập đoàn kinh tế

Có ý kiến cho rằng, thà thuê một CEO giỏi lương triệu đô mà làm ra lợi nhuận cả nghìn tỷ còn hơn một người lương vài chục triệu mà gây thua lỗ, nợ nần.

Hai thập kỷ trở lại đây, người ta đua nhau xin vào làm việc ở những tập đoàn kinh tế Nhà nước độc quyền như Dầu khí, Điện lực, Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng... vì lương cao, ổn định và thưởng lớn. Bề nổi là như vậy nhưng ai biết được các món nợ mà những tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước này đang phải mang, trừ khi có những công bố chính thức như vừa qua.

 

Không thể cứ lỗ lại cứu

 

Trong những khoản lỗ “khủng” đó, có một phần không nhỏ do đầu tư ngoài ngành như chứng khoán, bất động sản. Cách đây vài năm, đây là những lĩnh vực mà các Doanh nghiệp Nhà nước “hốt bạc”. Nhưng chẳng hiểu các siêu lợi nhuận này có được tích lũy hay không mà đến khi chạm thua lỗ hai đến ba năm trở lại đây, chỉ thấy các doanh nghiệp nợ nần chồng chất.



Vấn đề của Doanh nghiệp Nhà nước là phải giải quyết quyền của người đại diện. Xác định được trách nhiệm người đứng đầu, sẽ giải quyết được tất cả. Chúng ta đã có tư tưởng thuê CEO (Giám đốc điều hành), vậy tại sao lại không giám sát CEO?. Một CEO giỏi lương triệu đô mà làm ra lợi nhuận cả nghìn tỷ còn hơn một vị tổng giám đốc người của Nhà nước lương vài chục triệu mà gây thua lỗ, nợ nần. Có nghĩa là trách nhiệm liên quan đến con người và con người ở đây không đơn giản là chỉ biết giữ vốn mà phải biết sinh lời từ vốn, biết trả nợ, biết tích luỹ và biết cần phải chi lương, thưởng như thế nào cho phù hợp...

TS. Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương

 

Tuy mang trên vai “cục nợ” lớn nhưng lương, thưởng của cán bộ, công nhân, lãnh đạo Doanh nghiệp Nhà nước vẫn cao ngất ngưởng. Nhiều người cho rằng, phải chăng do các Doanh nghiệp Nhà nước được “nuông chiều” quá mức nên chỉ quen hưởng thụ mà thiếu tinh thần tự chịu trách nhiệm. Lúc có lãi thì mặc sức chi trả lương thưởng cao, khi lỗ thì kêu ca, xin xỏ Chính phủ cứu trợ, giúp đỡ.

Cụ thể như vừa qua,  Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Tập đoàn Sông Đà vay từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để trả nợ.

 

Lý do là Tập đoàn này đang gặp khó khăn trong việc cân đối vốn trả nợ ngân hàng nước ngoài do một khoản nợ lớn từ công ty thành viên. Để xảy ra thua lỗ lớn như vậy, ai là người phải chịu trách nhiệm? Thay vì xem xét, xử lý, kỷ luật người đứng đầu, cơ quan quản lý Nhà nước lại nhiệt tình đứng ra “đỡ” doanh nghiệp.

 

Được biết, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do Nhà nước là chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Trong quá trình chờ đợi, chúng ta phải nhìn nhận đúng về nợ của Doanh nghiệp Nhà nước để có những giải pháp cụ thể, xử lý dứt điểm tình trạng này.

 

Không ít chuyên gia cho rằng, Doanh nghiệp Nhà nước nợ gấp nhiều lần tài sản đang sở hữu là có vấn đề, cần phải điều tra làm rõ trách nhiệm của cá nhân trong quá trình điều hành. Hơn nữa, cũng phải xem lại chuyện cho vay của ngân hàng đối với Doanh nghiệp Nhà nước trên. Bởi, ngay cả khi được ưu tiên thì việc vay vốn vẫn phải đảm bảo các điều kiện, minh bạch, rõ ràng. Nếu số nợ ngân hàng, nợ đối tác lại gấp nhiều lần tài sản đang sở hữu thì quả là bất thường. Bất kỳ doanh nghiệp lớn nào, dù hoạt động thế nào cũng phải đảm bảo thu hồi và cân bằng vốn.


Lỗ gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước


Những con số trong đề án Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính mới công bố khiến nhiều người không khỏi giật mình. Đến tháng 9/2011 dư nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp Nhà nước là  gần 416 ngàn tỷ đồng, chiếm tới 16,9% tổng dư nợ tín dụng. Đáng chú ý là chỉ riêng 12 tập đoàn kinh tế của Nhà nước dư nợ đã lên tới gần 219 ngàn tỷ đồng, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng và chiếm 52,66% dư nợ cho vay Doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) Tập đoàn Điện lực (EVN), tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản; Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin)…Báo cáo của bộ Tài chính thể hiện, có tới gần 1/2 các tập đoàn kinh tế Nhà nước và Tổng công ty Nhà nước có tỷ lệ nợ phải trả cao gấp ba lần so với vốn sở hữu; đặc biệt có bảy tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ trên 10 lần vốn sở hữu. Mức lỗ bình quân của một Doanh nghiệp Nhà nước cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước; nhiều Doanh nghiệp Nhà nước phải đối phó với nguy cơ rủi ro cao.

 

Xét ở mọi góc độ, Doanh nghiệp Nhà nước được Nhà nước ưu đãi về vốn, cơ sở hạ tầng, thậm chí là con người hơn các công ty tư nhân. Vậy tại sao lại để ra thua lỗ, nợ khủng đến như vậy. Nguyên nhân này do đâu, ai phải chịu trách nhiệm?.

 

Tái cấu trúc từ đâu?

 

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải tái cấu trúc lại hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp Nhà nước thì sẽ khống chế được nợ. Bà Phạm Chi Lan – chuyên gia kinh tế cao cấp cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động, phải đặt Doanh nghiệp Nhà nước vào môi trường cạnh tranh, cần tách biệt vai trò Nhà nước ở tư cách là chủ sở hữu với tư cách quản lý, điều tiết. Các biện pháp của Chính phủ phải giúp Doanh nghiệp Nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất chứ không phải tăng lợi nhuận ngắn hạn.

 

Các Doanh nghiệp Nhà nước phải chịu các áp lực cạnh tranh giống các thành phần kinh tế khác. Đừng để tình trạng,  thua lỗ do đầu tư ngoài ngành lại xin tăng giá thành sản phẩm (ở mặt hàng kinh doanh độc quyền), lấy lãi đó, bù lỗ khác là không thể chấp nhận được.

 

Bà Lan nhận định: Tái cấu trúc lại hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước là cần thiết nhưng tái theo hướng nào, siết, buông, quản lý ra sao, cần phải có những tính toán thận trọng. Bởi mỗi một chủ trương, đều ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước cũng như nền kinh tế của đất nước.

 

Tiến sỹ Trần Du Lịch (Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội) nhìn nhận: Tái cấu trúc lại hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước cần rà soát lại toàn bộ danh mục đầu tư đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện, cương quyết loại bỏ các danh mục đầu tư không còn phù hợp với điều kiện và tiêu chí mới.  Không để Doanh nghiệp Nhà nước đầu tư tràn lan như thời gian qua, để lại hệ quả xấu cho nền kinh tế.

 

Điều quan trọng hơn là phải thực hiện cơ chế minh bạch kinh tế trong các Doanh nghiệp Nhà nước. Sự thiếu minh bạch trong đầu tư, trong hoạt động sản xuất kinh doanh là nhân tố quan trọng dẫn đến lỗ và nợ nần chồng chất của Doanh nghiệp Nhà nước.

 

Theo NĐT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo