Thị trường

Giải bài toán vốn

Việc cho vay ra khó khăn đã khiến ngân hàng nghĩ đến các cách để có thể rót tiền ra nền kinh tế, như cách Eximbank đang làm là đưa ra mức lãi suất cho vay còn thấp hơn cả lãi suất huy động.

Tìm cách giải bài toán vốn rẻ

 

Ngân hàng Eximbank vừa triển khai chương trình cho vay bằng tiền đồng lãi suất chỉ 7%/năm, áp dụng cho các cá nhân, doanh nghiệp với thời hạn vay trong sáu tháng, từ nay đến cuối năm.

 

Để vay với lãi suất này, người vay phải ký một hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn với ngân hàng. Theo đó, từ nay đến cuối năm, bên cạnh mức lãi suất 7%, nếu tỷ giá USD/VND biến động 2 – 3%, người vay phải bù cho chênh lệch tăng này. Nếu tỷ giá tăng trên 3%, Eximbank sẽ thay khách hàng chịu phần vượt đó.

 

Giả sử, tại thời điểm này một doanh nghiệp vay 2,096 tỉ đồng trong thời hạn ba tháng để bổ sung vốn lưu động, tương đương 100.000 USD. Với tỷ giá quy đổi vào cuối tuần qua là 20.960 đồng/USD; sau ba tháng đến kỳ đáo hạn, nếu tỷ giá tăng 3% lên 21.588 đồng, nợ gốc của doanh nghiệp sẽ là 2,158 tỉ đồng với lãi suất 1,75%/3 tháng, tương đương 0,6%/tháng.

 

Như vậy, nếu chọn sản phẩm này, người vay sẽ đánh cược với rủi ro tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm. Nếu tỷ giá ổn định, người vay trả một mức lãi suất thấp hơn nhiều so với các mức phổ biến 12 – 15%/năm hiện nay. Theo ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trong năm nay chỉ tăng trong khoảng 2 – 3%/năm. Từ đầu năm đến nay tỷ giá USD/VND khá ổn định, các cán cân thanh toán, cán cân tổng thể đã cân bằng; dự trữ ngoại hối tăng mạnh...

 

Về cuối năm, áp lực doanh nghiệp cầu USD thường tăng cao, và nếu tỷ giá theo đúng định hướng của ngân hàng Nhà nước, thì lãi suất vay trên tính ra sẽ trên 10%/năm, trong khi theo HSBC, ngân hàng Nhà nước sẽ còn giảm lãi suất huy động xuống dưới 9% sẽ kéo lãi suất cho vay giảm hơn. Vì vậy, nếu vay ngay từ bây giờ, doanh nghiệp có thể sẽ không rơi vào điểm nóng của cầu ngoại tệ.

 

Doanh nghiệp đi tìm vốn giá rẻ

 

Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc Eximbank cho biết, ngân hàng đã tận dụng ưu thế nguồn ngoại tệ mạnh thông qua mối quan hệ đại lý với hơn 700 ngân hàng trên thế giới để chuyển đổi sang tiền đồng cho vay.

 

Trong một tuần triển khai sản phẩm, Eximbank đã giải ngân khoảng 1.200 tỉ đồng. Trong đó có một phần doanh nghiệp có hạn mức tín dụng nhưng không sử dụng, nay đã đồng ý giải ngân, và có thể thêm một phần từ đảo nợ. “Khó tránh khỏi đảo nợ khi tiền mới hoà với tiền cũ”, ông Phước nói.

 

Theo ông Phước, mức giải ngân chưa cao, bởi sản phẩm mới ra đời, chưa được doanh nghiệp biết đến rộng rãi. Trước mắt Eximbank đưa ra gói tín dụng quy mô 2.000 tỉ đồng thăm dò động thái thị trường.

 

Ngân hàng ACB từng cho biết 3 tỉ USD vốn dư thừa khó cho vay. Như vậy, ước tính riêng 12 ngân hàng thương mại lớn, vài trăm ngàn tỉ đồng đang tồn đọng trong các két sắt, không đi vào nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất tiền gửi, theo các dự báo, sẽ còn giảm trong nửa cuối năm 2012, kéo theo lãi suất cho vay hạ mạnh hơn.

 

Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 6 vừa qua, thống đốc ngân hàng Nhà nước đã công bố tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng thương mại là 10%. Chính nợ xấu là một trong những lý do khiến ngân hàng chùn tay cho vay, thì liệu lãi suất giảm đã đủ để ngân hàng mạnh tay giải ngân hơn?

 

Trong khi đó thì doanh nghiệp khó thể đợi chờ hơn nữa. Không ít doanh nghiệp đang gặp khó về dòng tiền, hay lâm trong tình trạng thua lỗ, đã có ý định phát hành cổ phiếu giá rẻ. Chẳng hạn như công ty cổ phần tập đoàn Gỗ Trường Thành (TTF) dự kiến phát hành thêm 50% vốn với giá 5.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá 7.500 đồng chốt cuối tuần qua, nhằm tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện dòng tiền cho công ty.

 

Nếu phát hành thành công, TTF có thể giảm nhẹ phần lãi vay phải trả trong quý 1 lên tới 56,5 tỉ đồng… Hay như công ty chứng khoán Rồng Việt (VDS) dự kiến phát hành khoảng 35 triệu cổ phiếu với giá khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá hiện tại khoảng 1.700 đồng/cổ phiếu. THV cũng muốn phát hành thêm cổ phiếu nhằm bổ sung vốn lưu động với giá 6.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá hiện tại ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu…

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo