Giải pháp nào chống oan sai?
Từ ngày 18-12, đoàn giám sát tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật bắt đầu làm việc.
Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn giám sát, với sự tham gia của hầu hết thành viên Ủy ban Tư pháp và nhiều cơ quan khác của Quốc hội, Ban Nội chính trung ương, MTTQ VN, Văn phòng Chủ tịch nước, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an...
* Thẩm phán Vũ Phi Long (quyền chánh tòa hình sự TAND TP.HCM):
Tòa cương quyết trả hồ sơ nếu thấy oan sai
Tôi cho rằng một trong những biện pháp để giảm những vụ án oan sai là các cấp tòa có thể căn cứ ngay từ hồ sơ vụ án chứ không cần thiết phải ra đến phiên tòa. Mới đây, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ một vụ án đến năm lần và cuối cùng vụ án được đình chỉ.
Như vậy, nếu tòa cứ xử thì đã có oan sai xảy ra rồi. Luật quy định tòa chỉ được trả hồ sơ hai lần để điều tra lại và bổ sung bằng chứng, thực tế có rất nhiều vụ việc tòa trả hồ sơ đủ hai lần nhưng sau khi điều tra lại thì không có kết quả gì mới. Hết hai lần trả hồ sơ thì tòa phải xét xử theo đúng thủ tục tố tụng. Và những bất thường mà HĐXX nhận thấy trong vụ án sẽ được đưa vào phần kiến nghị.
Việc trả hồ sơ đến năm lần mà vẫn không trái luật thì TAND TP.HCM cũng tuân thủ luật pháp, trả đủ hai lần đầu trong giai đoạn nghiên cứu hồ sơ, ba lần sau mở phiên tòa thì tại phiên tòa phát sinh tình tiết mới cũng trả hồ sơ.
Cương quyết như vậy đến năm lần, cuối cùng vụ án được đình chỉ. Tôi cho rằng đây là một trong những biện pháp để giảm thiểu oan sai ngay từ khâu xét xử sơ thẩm, chứ không cần phải đến phúc thẩm hay các cấp cao hơn.
* Ông Trần Đông Chu (kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm, Viện KSND tối cao tại TP.HCM):
Cán bộ tư pháp phải nâng cao nghiệp vụ
Oan sai là một hiện tượng phổ biến có từ lâu, ở nhiều nước chứ không riêng VN. Một nền tư pháp tốt được đánh giá bằng việc để xảy ra oan sai nhiều hay ít vì đụng chạm đến sinh mạng của con người cả thể xác và tinh thần, là vốn quý nhất của con người.
“Trong chế độ ta, làm oan cho người nào đó thì chúng ta không còn lẽ sống nữa”. Đó là câu mà nguyên tổng bí thư Lê Duẩn đã nói. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp VN, những nguyên tắc cơ bản về quyền con người đã được hiến định, cụ thể là những nguyên tắc suy đoán vô tội, tranh tụng. Những quy định này ảnh hưởng đến tư pháp, thực hiện được thì giảm oan sai tố tụng.
Cán bộ tư pháp cần chuyển đổi nhận thức theo yêu cầu tình hình mới, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt vận dụng kịp thời các chính sách pháp luật mới ban hành, rèn luyện phẩm chất nâng cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ quyền bào chữa của bị can bị cáo, thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động tố tụng, đề cao vai trò của luật sư...
Viện kiểm sát nói riêng cần thực hiện nghiêm túc đầy đủ kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát điều tra, xét xử, bảo đảm bắt giam, truy tố người phạm tội phải có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.
* Thượng tá Nguyễn Phú Thương (phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, phó Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Cần Thơ):
Bệnh thành tích sẽ dẫn đến oan sai
Để tránh oan sai, lãnh đạo cơ quan điều tra, điều tra viên, trợ lý điều tra trước nhất phải tôn trọng sự thật, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật. Mọi biện pháp điều tra đều được phép áp dụng để tìm ra sự thật nhưng phải đúng theo quy định của pháp luật.
Những nguyên nhân dễ dẫn tới oan sai là điều tra viên chạy theo bệnh thành tích, mau phá án để được khen thưởng, cất nhắc; chủ quan trong điều tra, từ đầu tin vào lời khai, thông tin từ cơ sở mà thiếu kiểm tra đánh giá lại, điều tra một chiều, thu thập chứng cứ không khách quan, hướng các lời khai vào một đối tượng nào đó mà điều tra viên muốn điều tra, nhận thức pháp luật chưa đến nơi đến chốn, non kinh nghiệm.
Vì vậy trong quá trình đánh giá vụ việc, trước khi khởi tố, các tài liệu trong hồ sơ buộc phải làm đúng quy trình, đúng quy định và đúng pháp luật, người lãnh đạo phải kiểm tra coi đủ căn cứ hay chưa.
Còn trong quá trình điều tra phải thu thập chứng cứ, tài liệu một cách toàn diện, từ việc khám nghiệm hiện trường, bảo quản dấu vết, lời khai bị hại, nhân chứng, người liên quan, tài liệu giám định, hồ sơ khám xét... để từ đó xác định chính xác bản chất vụ án.
Để tìm ra sự thật, điều tra viên, trinh sát phải am hiểu pháp luật và có trình độ chuyên môn, bên cạnh đó phải có đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng người dân, nhân quyền, phải khách quan, công bằng, không ai bị coi là có tội khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật.
Còn người lãnh đạo phải sâu sát ngay từ đầu vụ án, trực tiếp tham gia chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra chặt chẽ tài liệu chứng cứ thu thập được, kể cả quy trình thu thập các tài liệu, chứng cứ đó. Từ đó mới phân loại, nhận định, đánh giá hồ sơ, chứng cứ... coi có bị hướng cung, dụ cung, dùng nhục hình hay không.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo