Giảm 1% lãi suất nền kinh tế tiết kiệm được 55.000 tỷ đồng
Thông tin trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, chiều 3/4.
Tại phiên họp, nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2017 là hết sức nặng nề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải lấy chủ đề của năm 2017 là “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” làm trọng tâm hành động, nói đi đôi với làm, tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tiếp tục kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Yêu cầu đặt ra là phải có quyết tâm cụ thể, có sự nỗ lực vượt bậc để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%. Trong thực hiện, phải chú ý xây dựng kịch bản tăng trưởng của từng ngành, sản phẩm; đặc biệt chú trọng vào những lĩnh vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng như công nghiệp khai khoáng, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo… Tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện hơn nữa phát triển ngành dịch vụ, du lịch để đạt kết quả tốt nhất.
Cùng với tăng trưởng, phải kiểm soát tốt lạm phát. Theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế để chủ động điều hành chính sách tiền tệ. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay và nếu không giảm được lãi suất thì cũng không được tăng lãi suất; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp và người dân; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng.
Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường xử lý nợ xấu để giảm lãi suất cho vay. Thủ tướng nêu rõ nếu không giảm được lãi suất thì cũng không được tăng lãi suất. Bởi với tổng dư nợ hơn 5,5 triệu tỷ đồng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, nếu giảm được 1% lãi suất thì nền kinh tế tiết kiệm được 55.000 tỷ đồng chi phí tài chính.
Cùng với vấn đề ngắn hạn, cần dành nhiều thời gian hơn cho giải quyết vấn đề dài hạn như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó, chú ý việc phát triển bất động sản đúng hướng.
“Chúng ta nói có tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh nhưng thực tế ở địa phương, ở xã, phường, cơ sở, còn một bộ phận cán bộ chưa làm tốt việc này, vì vậy chủ trương của chúng ta là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đặt yêu cầu trong đẩy mạnh cải cách thể chế”, Thủ tướng nêu rõ. Cải cách, đổi mới thể chế là gốc của sự phát triển.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục tập trung dành ưu tiên cao cho công tác xây dựng thể chế, các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo công tác này, kịp thời xây dựng, trình Chính phủ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tiến độ. Tinh thần là tập trung tháo gỡ vướng mắc cho phát triển bằng thể chế, những vướng mắc thể chế được coi là vòng kim cô với sự phát triển, không thể vì những ràng buộc lạc hậu trong nền kinh tế thị trường mà kìm hãm sự phát triển.
End of content
Không có tin nào tiếp theo