Giám đốc doanh nghiệp tư tham nhũng, xử sao?
Mới đây, công an một huyện ở Đồng Nai đã từ chối khởi tố ông MHK, giám đốc một Công ty TNHH dịch vụ tư nhân chuyên về xây dựng sau khi ông này xén bớt tiền dùng để bồi thường đất trong các dự án của công ty để bỏ túi riêng.
Doanh nghiệp tư cũng có xà xẻo
Theo công an huyện này, đây là một doanh nghiệp tư nhân và tranh chấp giữa các thành viên Công ty với nhau là tranh chấp dân sự. Do vậy, chưa có đủ cơ sở để khởi tố hành vi xén bớt tiền của giám đốc K. và ông này chỉ phải chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị của công ty.
Trái với quan điểm của cơ quan công an, các thành viên góp vốn trong công ty thì cho rằng giám đốc K. đã lợi dụng chức vụ khi thực hiện các kế hoạch đầu tư để chiếm đoạt tiền của tập thể. Hành vi này là phạm tội nên họ đã tiếp tục khiếu nại...
Cứ “tư” là không thể xử tội tham ô?
Trong vụ việc trên, nếu ông K. là giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước thì với hành vi xén bớt tiền tương tự, ông có khả năng sẽ bị truy cứu về một trong các tội phạm về chức vụ như tham ô tài sản hay lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…
Vậy vì sao lại có chuyện làm giám đốc doanh nghiệp Nhà nước thì “dính” mà làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân lại có thể “thoát”, khi đều có cùng một hành vi bớt xén tiền của doanh nghiệp như nhau?
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) cho biết: Theo cách hiểu truyền thống của các cơ quan tố tụng thì chỉ lãnh đạo, người có trách nhiệm trong các doanh nghiệp nhà nước mới là người có chức vụ, quyền hạn, mới là chủ thể của nhóm tội phạm về chức vụ.
Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, với các hành vi tham nhũng trong khối doanh nghiệp tư, nếu không thể xử lý theo nhóm tội về chức vụ thì việc xử lý về các tội xâm phạm sở hữu (lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…) cũng gây tranh cãi bởi cấu thành tội phạm chưa hẳn đã phù hợp.
Thực tế, có nơi vẫn xử lý hình sự nhưng cũng có nơi cho rằng đó chỉ là quan hệ dân sự như vụ việc ở Đồng Nai nói trên.
Giám đốc doanh nghiệp tư có chức vụ hay không?
Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Lãnh đạo doanh nghiệp tư là những người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Hậu quả từ những việc làm sai của lãnh đạo doanh nghiệp tư có khi gây tác hại lớn cho toàn xã hội. Nếu không có chức vụ, họ sẽ không làm được việc đó. Vậy tại sao họ không phải là chủ thể của nhóm tội phạm về chức vụ trong Bộ luật Hình sự?
Về chuyện này, kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm III Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) lý giải: Điều 277 Bộ luật Hình sự đã quy định các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ. Chỉ có cơ quan công quyền mới thực thi công vụ. Như vậy chủ thể phạm tội trong nhóm này phải là những người có chức vụ trong cơ quan nhà nước.
Đồng tình, Thạc sỹ Mai Khắc Phúc (giảng viên Luật hình sự Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh) phân tích: Khách thể bị xâm phạm trong nhóm tội về chức vụ là hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước mà thiệt hại lớn nhất chính là uy tín, tài sản.
Mặt khác, người có chức vu,̣ quyền hạn có hai đặc điểm cơ bản: Thứ nhất, người đó được chính thức giao công vụ một cách hợp pháp dưới hình thức bổ nhiệm, bầu cử, hợp đồng…
Thứ hai, người đó có một quyền hạn nhất định khi thi hành công vụ đã được giao.
Như vậy, phải là những người có chức vụ, quyền hạn được cơ quan nhà nước, tổ chức giao, khi thực thi công vụ mà có vi phạm thì mới làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước.
Một thẩm phán Tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh thì cho rằng khái niệm “thực hiện công vụ” trong luật cần phải được làm rõ. Từ trước đến nay, công vụ được hiểu là các công việc xuất phát từ lợi ích chung của toàn xã hội. Với xu thế phát triển hiện nay, có nhiều lĩnh vực mang tính lợi ích chung đã được cổ phần hóa, xã hội hóa...
Vậy hiệu trưởng trường học tư, giám đốc bệnh viện tư… có được xem là người có chức vụ và đang thực hiện công vụ hay không? Bởi lẽ cách hành xử của họ không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân mà còn ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng.
Giữa các tòa cũng hiểu khác Hợp tác xã Mông Nhuận, huyện Ninh Phước (Bình Thuận) hoạt động dựa trên nguồn vốn do các xã viên tự đóng góp. Từ tháng 3/1999 đến cuối tháng 5/2008, thủ quỹ Võ Mẫn đã làm thất thoát quỹ chung gần 900 triệu đồng. Việc này còn có trách nhiệm của chủ nhiệm Nguyễn Chí Nguyên, kế toán trưởng Trần Tấn Tuấn vì đã không chỉ đạo, kiểm tra tài chính… Sau khi vụ việc bị phát hiện, Mẫn bị khởi tố, truy tố về tội tham ô tài sản, Nguyên và Tuấn về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tại phiên sơ thẩm lần đầu, đại diện Viện kiểm sát đã thay đổi quyết định truy tố Mẫn từ tội tham ô tài sản sang tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phạt Mẫn 13 năm tù, Nguyên và Tuấn mỗi người hai năm tù. Tháng 7/2011, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại TP.Hồ Chí Minh đã hủy án sơ thẩm, giao cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Theo tòa, chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là người có chức vụ, quyền hạn. Mẫn chỉ là thủ quỹ của hợp tác xã có nguồn vốn do xã viên đóng góp nên không phải là chủ thể của tội này. Xử sơ thẩm lần hai, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận vẫn chấp thuận quan điểm của Viện kiểm sát cùng cấp là Mẫn, Nguyên, Tuấn là chủ thể của nhóm tội phạm về chức vụ nên đã tuyên án như phiên sơ thẩm lần đầu. Doanh nghiệp mà Nhà nước góp vốn thì sao? Một vấn đề cũng gây nhiều tranh cãi là trong doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ chiếm một tỉ lệ vốn góp nhất định, không chi phối thì có tội tham ô tài sản hay không? Theo Tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao, đang có ba quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất là bất kể doanh nghiệp có tỉ lệ vốn góp của Nhà nước bao nhiêu thì cũng đã “có yếu tố nhà nước” nên người nào tham ô tài sản của doanh nghiệp đều có thể vướng vào tội danh này. Quan điểm thứ hai là tội tham ô chỉ có thể xảy ra trong các doanh nghiệp Nhà nước được thành lập theo Luật doanh nghiệp Nhà nước năm 2003. Quan điểm thứ ba khắt khe hơn khi cho rằng nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp có tỉ lệ vốn góp nhà nước thì phải bị truy cứu về hai tội: tội tham ô tài sản đối với phần vốn góp của Nhà nước và tội trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… tương ứng đối với phần vốn góp không phải của Nhà nước. Tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao khẳng định, với doanh nghiệp không có vốn góp của Nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước từ 50% trở xuống và Nhà nước không giữ quyền chi phối thì không có tội tham ô tài sản dù rằng người phạm tội có lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ở đây, tùy trường hợp có thể phạm tội trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm... Ngoài ra, Tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao cho biết thêm: Tài sản là đối tượng tác động của tội tham ô phải là tài sản thuộc công sản, kinh phí hoạt động và các tài sản khác được giao cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị… quản lý; giá trị quyền sử dụng đất được tính vào vốn của công ty theo quy định của Luật Đất đai… |
Theo Pháp luật TP.HCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo