Chính trị

​Giám sát quyền lực để hạn chế tham nhũng

Ngay sau phiên bế mạc Đại hội XII của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp báo và trả lời nhiều câu hỏi của báo giới.

* Xin Tổng bí thư cho biết cảm nghĩ của ông khi được bầu là người lãnh đạo cao nhất của Đảng?

- Câu hỏi này cũng hơi bất ngờ với tôi, thấy cũng khó trả lời. Với cảm nghĩ thế nào thì nói chân thành như thế, tôi cũng không ngờ là mình lại được đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương khóa XII họp phiên thứ nhất đã bầu tôi làm Tổng bí thư, gần như 100% tuyệt đối.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp báo sau Đại hội XII - Ảnh: Viễn Sự.

Bất ngờ vì tuổi tôi đã cao rồi, sức khỏe có hạn, trình độ có hạn. Tôi cũng đã xin nghỉ rồi, nhưng vì trách nhiệm Đảng giao thì chúng tôi với tư cách đảng viên phải chấp hành, thực hiện trách nhiệm của mình.

Tôi cũng rất xúc động với tình cảm của đồng chí, đồng bào, anh em trong nước cũng như bạn bè quốc tế đã có những nhắn gửi, bày tỏ tình cảm, thật tình là cũng giao trách nhiệm cho chúng tôi. Và chúng tôi cũng rất lo lắng. Như vậy là bất ngờ, xúc động, lo lắng.

Lo lắng vì công việc sắp tới còn nặng nề lắm, phải gánh trách nhiệm rất lớn và trước tình hình diễn biến trong nước, quốc tế như thế này. Thời cơ, thuận lợi cũng có, nhưng mà khó khăn, thách thức rất nhiều. Rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất lớn.

* Trung ương khóa XI đã có nhiều đổi mới theo hướng dân chủ, như là tiến hành chất vấn trong Đảng, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Vậy hướng đổi mới tiếp theo trong Trung ương khóa XII như thế nào, có tiến hành tranh cử và bầu trực tiếp các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng hay không?

- Đây là công việc thường xuyên phải làm. Bắt đầu làm từ khi thực hiện nghị quyết Trung ương 4, có nhiều cái mới trong nhiệm kỳ vừa qua. Lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cũng là lần đầu tiên. Đây chính là tạo thuận lợi cho công tác nhân sự tiến hành Đại hội XII diễn ra tốt đẹp, trọn vẹn.

 

Có lẽ đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu một lần được đủ danh sách 19 người vào Bộ Chính trị, các khóa trước thường là bầu thiếu sau phải bổ sung dần. Tất cả các chức danh bầu đều phiếu tập trung rất cao.

Đại hội lần này cũng bầu một lần được 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết với số phiếu cao. Người thấp nhất (trúng cử) cũng được hơn 62% (phiếu).

* Kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII có đúng phương án nhân sự khóa XI đã đề xuất?

- Tôi xin đảm bảo hoàn toàn đúng phương án công tác nhân sự. Phương hướng rộng lắm chứ không chỉ có chọn ai, phương hướng là nói đến tiêu chuẩn, tiêu chí, số lượng, cơ cấu, tỉ lệ trẻ - già, nam - nữ. Còn cụ thể chọn ai thì Trung ương khóa cũ giới thiệu, ra đại hội giới thiệu thêm.

Nếu cá nhân được giới thiệu xin rút, theo quy chế, Đoàn chủ tịch sẽ xem xét tỏ chính kiến của mình, còn quyền quyết định có cho rút hay không là do đại hội. Làm rất dân chủ chứ không phải giơ tay ào ào.

 

Lần này lập phiếu, bỏ phiếu kín, công bố xem đại hội có cho rút hay không... Như vậy vừa tôn trọng ý kiến đề cử của khóa trước, vừa tôn trọng ý kiến đại biểu. Vừa rồi có đại biểu nói với tôi: “Dân chủ đến thế là cùng”.

* Hoạt động chất vấn trong Đảng sẽ được thúc đẩy như thế nào trong nhiệm kỳ khóa XII?

- Việc chất vấn trong Đảng mới thực hiện gần đây, cũng là nội dung quan trọng để phát huy mạnh mẽ hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Nói đây là một hình thức thôi, và cũng là một hình thức giám sát của các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương đối với các vị lãnh đạo.

Chất vấn là một hình thức hỏi và trả lời, có cái để làm rõ thêm, có cái để xem trách nhiệm đến đâu. Hội nghị Trung ương nào cũng có chủ trương chất vấn và trả lời chất vấn. Tất nhiên chưa được nhiều vì thời gian có hạn.

Bản thân tôi cũng được chất vấn, xin trả lời trực tiếp ngay tại Hội nghị Trung ương. Chất vấn xong cũng giải tỏa được nhiều tâm tư, giải đáp được một số thắc mắc và quan hệ anh em đồng chí có khi lại tốt hơn.

 

Sắp tới, theo quy chế làm việc vẫn tiếp tục chất vấn. Những công việc đang tiến hành mà nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đề ra, phải kiên trì, kiên quyết thực hiện, không phải làm một lần mà xong.

Còn nhiều việc đang phải tiếp tục làm, như quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, cấp trung ương, đào tạo lựa chọn cán bộ, cố gắng tạo điều kiện cho anh em trẻ được làm lãnh đạo nhiều hơn.

Lần này Bộ Chính trị trẻ hóa nhiều, 19 đồng chí vừa được bầu (vào Bộ Chính trị khóa XII) chỉ có 7 người ở lại (từ Bộ Chính trị khóa XI), còn phần đông là trẻ. Trẻ như đồng chí Võ Văn Thưởng sinh năm 1970 đã vào Bộ Chính trị. Rồi có 3 nữ trong Bộ Chính trị, như vậy là rất bình đẳng giới.

Những việc nghị quyết Trung ương 4 đã, đang làm, sắp tới còn tiếp tục làm, và có những việc chưa làm được còn phải làm tiếp. Nhất là trong công tác cán bộ, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, rồi việc giám sát quyền lực để kiểm soát, bảo đảm làm sao kiểm soát, hạn chế được tham nhũng, lãng phí.

Phải kiểm soát quyền lực thôi.

 

* Ông vừa nói mình tuổi đã cao, vậy trong nhiệm kỳ này, ông có kế hoạch, lộ trình để tìm kiếm người có tài, có đức và trẻ để gánh vác, kế nhiệm? Nếu có thì lộ trình đó diễn ra khoảng bao lâu?

- Vừa rồi nhiều người chúc mừng tôi, tôi cảm ơn nhưng không biết là chúc mừng hay chúc lo, vì tôi lo cho công việc sắp tới, trách nhiệm lớn, nhiều việc phải làm lắm. Vấn đề bạn nêu lên cũng là một vấn đề lo, làm sao đào tạo, bồi dưỡng được anh em trẻ.

Đảng đã nói rồi, bản thân chúng tôi cũng nói nhiều lần, phải tiếp tục đào tạo các lớp cán bộ “tre già măng mọc”. Cơ cấu vào đội ngũ bây giờ cũng phải liên tục kế thừa ba độ tuổi, phát triển, không để hẫng hụt.

Giống như một khóm tre cần có ba lớp, lớp măng mọc, lớp bánh tẻ và lớp già. Già lại đẻ ra măng, như thế mới ấm gốc và mới phát triển bền vững được. Chứ đứng đơn độc một cây tre làm sao bền vững.

Lo trách nhiệm đào tạo cán bộ trẻ là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Phải làm có kế hoạch. Vừa qua đã làm được một bước, nhưng có nhiều việc vẫn phải làm tiếp. Tỉ lệ trẻ bây giờ cũng còn ít trong các cơ quan lãnh đạo, phải hết sức cố gắng. Điều này đòi hỏi không những phải có kế hoạch, suy nghĩ, đào tạo, mà cái chính là có cái tâm chăm lo đến anh chị em trẻ.

 

Bây giờ tài năng trẻ nhiều lắm, được đào tạo cơ bản. Trong Ban Chấp hành Trung ương bây giờ tỉ lệ tốt nghiệp đại học, trên đại học rất cao.

Còn bạn hỏi bao giờ xong, theo tôi việc này cần có kế hoạch, phải chuẩn bị, làm bài bản, từng bước. Hứa là 2 năm, 3 năm hay 5 năm tôi sợ rằng không khả thi và có cái gì đó ảo tưởng.

* Dưới sự lãnh đạo của mình, Tổng bí thư có nghĩ Việt Nam sẽ trở thành nước giàu mạnh, dân chủ hơn?

- Câu hỏi này mang tầm chiến lược xa quá. Cá nhân tôi là một bộ phận của tập thể. Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng Cộng sản là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chứ không thể cá nhân độc đoán, chuyên quyền. Nhưng đồng thời cũng phải đề cao trách nhiệm của cá nhân, chứ không thể làm hay, làm tốt, có kết quả thì vơ vào công lao cá nhân mình, còn làm không tốt thì đổ tại tập thể, không quy được trách nhiệm, chả kỷ luật được ai.

Cái hay của chúng ta là lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách, phát huy vai trò của người đứng đầu, nhưng phải phát huy dân chủ. Đứng đầu mà độc đoán, chuyên quyền thì thế có gọi là dân chủ không? Không tiện nói một số nước, nhưng mà cứ nhân danh dân chủ mà cá nhân quyết định tất, thế thì ai dân chủ hơn ai?

 

Sắp tới có thực hiện được giàu mạnh hơn, dân chủ hơn? Mục tiêu trong đại hội nói rồi, khẩu hiệu của chúng ta là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là mục tiêu lâu dài, trước mắt là phấn đấu làm sao chúng ta sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Còn về dân chủ thì các bạn đã biết thông qua sinh hoạt của Quốc hội, HĐND, các đoàn thể chính trị xã hội. Dân chủ, nhưng vẫn phải có kỷ cương. Đất nước không có kỷ cương thì rối loạn, mất ổn định, như vậy không thể xây dựng phát triển được. Dân chủ và kỷ cương phải đi liền với nhau.

Nên đọc
Theo báo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo