Giảm thời gian thông quan một ngày, tiết kiệm được 1,6 tỉ USD
Hội thảo: “Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ: Đơn giản hóa thủ tục chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” diễn ra vào ngày 10/10 do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cùng Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) phối hợp thực hiện. Những vướng mắc về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí. Ông Phạm Quang Vinh, đại diện dự án USAID GIG cho biết, nếu giảm thời gian thông quan một ngày thì nền kinh tế tiết kiệm được 1,6 tỉ USD. Tuy nhiên, thời gian xin 1 loại giấy phép trong thủ tục xuất nhập khẩu thường mất khoảng vài ngày.
Hiện nay, các doanh nghiệp đều tiến hành kê khai hải quan điện tử. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải xuất trình hồ sơ giấy, mỗi địa điểm làm thủ tục hải quan lại yêu cầu xuất trình giấy tờ khác nhau. Doanh nghiệp mất nhiều chi phí nhân lực khi mỗi tờ khai hải quan chỉ được khai tối đa 50 dòng hàng và mỗi tờ khai phải viết một giấy nộp tiền. Cùng với đó là những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh cảng và các hãng tàu. Nhiều khoản phí của các hãng tàu không minh bạch. Khi vào cảng lấy hàng phải xuất trình giấy tờ xe, xe phải phù hợp trọng tải hàng mới được lấy hàng
Bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia tư vấn dự án USAID GIG cho biết, theo đánh giá của cơ quan Hải quan hiện có khoảng 50 – 60% hàng nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành. Trong quá trình khảo sát doanh nghiệp từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2014, danh mục quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành công bố rất nhiều nhưng không có mục tiêu rõ ràng nào dẫn đến doanh nghiệp và cơ quan thực thi rất khó thực hiện.
Các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý chưa đưa ra phương pháp quản lý, kiểm tra hợp lý. Nhiều mặt hàng kiểm tra theo từng lô hàng và kiểm tra tại cửa khẩu. Các lô hàng mặc dù nhập và xuất xứ giống nhau, cùng một mặt hàng nhưng vẫn kiểm tra theo từng lô. Kết quả thu được ở các cơ quan kiểm tra rất nhỏ chỉ dưới 1%, loại cao nhất là 1%.
Bất cập tiếp theo là cùng một mặt hàng nhưng nhiệu bộ quản lý. Tính riêng sản phẩm sữa đã liên quan tới ba bộ là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế. Các đơn vị không sử dụng thông tin lẫn nhau nên mỗi đợt kiểm tra doanh nghiệp phải làm thủ tục và cung cấp giấy tờ nhiều lần.
Doanh nghiệp mất nhiều thời gian về vấn đề cấp C/O. Ở một doanh nghiệp miền Nam, để cấp C/O luôn có một người để sao y bản chính tờ khai hải quan xuất khẩu và tờ khai hải quan nhập khẩu, sau đó phải đóng dấu từ trên từng trang một. Mà tờ khai hải quan nếu nhiều phải 50 tờ.
Trước thực trạng trên, bà Đặng Bình An lo ngại, việc tìm thời gian để giảm thời gian thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ vô cùng khó khăn nếu không có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau. Một số đại diện của các bộ, ngành khác tại hội thảo cũng thừa nhận bất cập về thủ tục quản lý chuyên ngành đối với xuất nhập khẩu.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương không giấu nổi bức xúc: “Doanh nghiệp bị ép tứ bề! Vấn đề này nói là khó xử, thật ra quá dễ. Chỉ cần ông đứng đầu cơ quan thực sự làm đúng phận sự, có kiểm tra giám sát.”
End of content
Không có tin nào tiếp theo