Gian lận thanh toán thẻ
Bóng đen thẻ giả
Trong các loại hình rủi ro liên quan đến nghiệp vụ thanh toán thẻ tại thị trường VN ở thời điểm hiện nay, gian lận trong thanh toán thẻ quốc tế có chiều hướng tăng vọt trong năm nay và ngược với xu hướng chu của thế giới, loại hình giao dịch gian lận do thẻ giả đang được cho là tệ nạn cần phải được giải quyết.
Dẫn số liệu thống kê của các tổ chức thẻ quốc tế, đại diện Tiểu ban Quản lý rủi ro (Hội Thẻ ngân hàng VN) - ông Lê Thanh Hà cho hay, gian lận thanh toán thẻ quốc tế tại thị trường trong nước bắt đầu tăng vọt kể từ đầu năm 2011 với giá trị giao dịch gian lận trong các quý I-II/2011 lần lượt là 1 triệu USD và 1,5 triệu USD. Các con số này theo ông Lê Thanh Hà, gấp 3-5 lần so với cùng kỳ năm trước và nếu so với quý cuối của năm 2010, tỉ lệ gian lận/doanh số thanh toán cũng tăng gấp 2-3 lần.
Báo cáo giao dịch gian lận của tổ chức thẻ Visa tính đến tháng 9.2011 cũng cho thấy, nếu tỉ lệ gian lận là 16,5 cent/100 USD thanh toán tại thị trường VN trong quý I/2011 thì đến quý II/2011, con số này lên tới 42,1 cent/100 USD được thanh toán. Hội Thẻ ngân hàng VN cho hay, con số gian lận này cao gấp 5 lần tỉ lệ chung của thế giới và cao gấp 17 lần tỉ lệ của khu vực.
Đáng lưu ý trong rủi ro thanh toán thẻ, loại hình gian lận do thẻ giả đang gia tăng tại VN và đi ngược với xu hướng chung của thế giới. Các đối tượng tội phạm thẻ nhắm tới tại thị trường VN trong thời gian vừa qua chủ yếu là các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) kinh doanh các mặt hàng vàng bạc, đá quý, vận chuyển hàng không hay điện lạnh... Con số thống kê được của Tiểu ban Quản lý rủi ro (Hội Thẻ ngân hàng VN), khoảng 350 thẻ giả đã được các đối tượng gian lận mang vào VN để thực hiện giao dịch trong thời gian vừa qua.
Các thống kê cũng cho thấy, các giao dịch được thực hiện bằng thẻ giả thời gian quan tại VN hoàn toàn là thẻ của các ngân hàng phát hành nằm ngoài lãnh thổ VN, đặc biệt nhiều là thẻ mang đầu BIN (06 số đầu của dải số thẻ) của các ngân hàng phát hành thuộc Mỹ, Canada. Theo Hội Thẻ ngân hàng VN, cơ quan công an mới đây cũng phối hợp ngăn chặn được 3 nhóm đối tượng đang sử dụng thẻ giả tại các điểm chấp nhận thanh toán tại HN và TPHCM với tổng số lượng thẻ giả được sử dụng lên tới 100 thẻ.
Cảnh báo sớm
So với con số thanh toán thẻ quốc tế tại ĐVCNT đạt 1,5 tỉ USD và doanh số thanh toán thẻ quốc tế tại ATM đạt 1,2 tỉ USD ước tính đến cuối năm 2011, các giá trị gian lận thẻ được trích dẫn trên đây chỉ tương đương một tỉ lệ rất nhỏ.
Hơn nữa, theo bà Nguyễn Thu Hà – Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng VN, cũng không thể vin vào các rủi ro vốn được cho là khó tránh khỏi trong một nghiệp vụ đòi hỏi kỹ thuật cao để phủ nhận hay che lấp hàng loạt các tính năng ưu việt mà nghiệp vụ thanh toán quốc tế không dùng tiền mặt mang lại.
Song khi mà tình hình trở thành một vấn nạn và đi ngược lại xu hướng chung của thế giới, các thành viên VN của các tổ chức thẻ quốc tế đến lúc phải ngồi lại với nhau để tìm hướng ngăn chặn. Bởi chính các ngân hàng cũng như các ĐVCNT trong nước phải gánh hậu quả là bị ngân hàng phát hành nước ngoài đòi bồi hoàn, chi phí tăng và thậm chí bị phạt.
Hơn nữa một số đơn vị còn bị các tổ chức thẻ quốc tế áp dụng chế độ kiểm tra, kiểm soát đặc biệt hoặc có khả năng phải chấm dứt tư cách thành viên. Nghiêm trọng hơn, theo ông Lê Thanh Hà, thị trường VN bị liệt vào danh sách thị trường có độ rủi ro cao cho việc sử dụng thẻ.
Liên quan đến rủi ro gian lận thanh toán thẻ do dùng thẻ giả, hàng loạt các nguyên nhân được chỉ ra trong đó ở chừng mực nào đó, thị trường VN có nhiều điều kiện “thuận lợi” cho giới tội phạm thẻ. Bên cạnh đó là nền tảng công nghệ dịch vụ thẻ chưa được đầu tư thích đáng và nhân lực dịch vụ thẻ thiếu nhiều thứ.
Vị chuyên gia làm việc trong lĩnh vực quản lý rủi ro trên cũng chỉ rõ nguyên nhân có sự cạnh tranh quá mức cần thiết, thiếu đi sự hợp tác trong việc phòng ngừa rủi ro như hệ thống cảnh báo chung, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm.
“Tâm lý sùng ngoại, buông lỏng việc định danh khách hàng và tâm lý muốn bán hàng bằng mọi giá cũng là các nguyên nhân” – ông Lê Thanh Hà phân tích. Hàng loạt giải pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng trên, song có một trong các giải pháp mang tính hệ thống là các ngân hàng cần thực hiện đào tạo các ĐVCNT mới thành lập và thường xuyên đào tạo lại đối với toàn bộ các đơn vị trên toàn hệ thống. Đặc biệt là với các đơn vị có độ rủi ro cao, là đối tượng nhắm tới của tội phạm như các cửa hàng vàng, đá quý, đồng hồ, điện tử...
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo