Pháp luật

Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu vùng biên

Các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn thực hiện nhiều giải pháp, nhưng cuộc chiến chống buôn lậu trên địa bàn vẫn rất gian nan.

Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, càng gần Tết Nguyên đán, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát gắt gao, tổ chức chốt chặn 24/24h trong ngày tại các khu vực đường mòn, lối mở tại nhiều khu vực nhạy cảm… Thế nhưng tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Hành vi buôn lậu tinh vi

Ông Vi Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: Để “qua mặt” lực lượng chức năng, dân buôn lậu tổ chức nhiều hoạt động tinh vi, như xé lẻ hàng hoá rồi khoán cho người vận chuyển qua đường mòn, lối tắt, sau đó vận chuyển vào nội địa bằng các loại phương tiện như xe đạp, xe máy, ô tô và thuê “cửu vạn” mang vác. Nếu bị lực lượng chống buôn lậu bắt thì phải đền tiền, nên người vận chuyển tìm mọi cách để giữ hàng, hoặc chống trả quyết liệt lực lượng thi hành công vụ. Một số đối tượng buôn hàng cấm như pháo nổ còn thuê phụ nữ, hoặc trẻ vị thành niên vận chuyển dưới 10kg để tránh truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặc dù, đã tổ chức các lán trại chốt trên biên giới, nhưng theo ông Tường, vào thời điểm cuối năm thời tiết giá rét khiến các lực lượng càng khó khăn. Các đối tượng buôn lậu cũng thường sử dụng phương tiện tinh vi, hiện đại và thường xuyên tổ chức theo dõi lực lượng chống buôn lậu, nếu có biến động thì tìm cách chống đối.

Hơn thế, dù lực lượng chống buôn lậu lập nhiều chốt chặn tại các đường mòn, lối mở, theo ông Nguyễn Thắng Lợi (Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn), cư dân biên giới thạo địa hình nên vẫn nhanh chóng mở đường mới, gây khó khăn cho công tác ngăn chặn.

Đặc biệt, theo Quyết định 254 ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi cư dân biên giới được mua hàng hóa 2 triệu đồng mỗi ngày. Chính sách này tạo điều kiện cho nhân dân biên giới nâng cao mức sống, nhưng rất khó kiểm soát. Khi về đến biên giới, trách nhiệm của các lực lượng tại biên giới phải kiểm soát người hàng hóa qua lại, đối chiếu với bảng kê dưới 2 triệu đồng. Nhưng thực tế hàng hóa bị người dân hạ giá tới mức “bèo bọt”. Đơn cử, một bộ ấm chén chỉ được kê khai có 10.000 đồng. Như vậy, ngay cả dưới 2 triệu đồng thì lượng hàng hóa cũng được thẩm lậu bằng cách này rất lớn, vì không phải mặt hàng nào cũng có biểu giá để áp giá dễ dàng.

Theo chia sẻ của ông Chu Ngọc Hà, có những mặt hàng người dân khai mua rất rẻ vì họ mua hàng tồn kho, bán đổ, bán tháo. Trong khi đó những quy định, biểu giá luôn lạc hậu với thị trường. Mục tiêu của các chủ hàng là chỉ cần hàng hóa lưu thông, về các chợ nên họ tìm đủ biện pháp để hợp lý hóa hàng hóa đơn bằng cách kê khai đủ số hàng, thậm chí kê khai thừa so với thực tế và chỉ gian lận về giá.

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Thắng Lợi, Chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng phải bức xúc rằng, đây chính là một kẽ hở cho buôn lậu.

Phối hợp lực lượng, vẫn gian nan

Hiện nay, theo lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn, các chủ hàng thường xuất lậu hàng qua các đường mòn ở khu vực Ba Sơn (huyện Cao Lộc), Na Hình (huyện Văn Lãng), Nà Nưa (huyện Tràng Định). Những mặt hàng buôn lậu dịp này chủ yếu là hàng tiêu dùng trong dịp Tết như: quần áo, cốc chén, bát đĩa, nồi cơm điện, giày dép, gia súc, gia cầm…

Nhằm đấu tranh, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm dọc tuyến biên giới vào nội địa, đặc biệt là những địa bàn “nóng” về buôn lậu như Bãi Gianh, Gốc Bưởi (huyện Tân Thanh); Cốc Nam (huyện Văn Lãng); Chi Ma (huyện Lộc Bình)…, trong tháng 12 năm nay, lần đầu tiên Biên phòng tỉnh Lạng Sơn lập 24 lán trại dã chiến chốt chặn ở những đường mòn, lối tắt nhằm ngăn chặn dân buôn lậu lợi dụng vận chuyển hàng qua biên giới.

 

 


Một trong các lán trại tại giáp biên của Bộ đội biên phòng Lạng Sơn (Ảnh: Duy Chiến)

 

 

Đến thời điểm này, tất cả đường mòn, lối tắt ở Lạng Sơn đã được cắm biển báo “Khu vực cấm xuất, nhập cảnh trái phép". Lực lượng biên phòng duy trì 4 đến 5 cán bộ chiến sĩ trực 24/24h tại mỗi lán trại dã chiến để ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, pháo và gia cầm nhập lậu.

Đồng thời, các đơn vị Biên phòng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sinh sống dọc biên giới cùng tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, chấp hành các quy định về xuất nhập cảnh, không tham gia buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Đại tá Lương Văn Phún, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Lực lượng đặc nhiệm biên phòng tỉnh phối hợp với các đồn trọng điểm ngăn chặn 24/24h trên các đường mòn đường tắt, như Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma. Các lực lượng khác rà soát các tụ điểm có thể hình thành tụ điểm buôn lậu, chúng tôi quyết định đánh bắt và xóa bỏ”.

Cùng với bộ đội biên phòng, các lực lượng như hải quan, công an, quản lý thị trường ở Lạng Sơn cũng tích cực tham gia công tác chống buôn lậu. Tại khu vực Cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình), gần đây, Cục Hải quan Lạng Sơn đã tăng cường lực lượng, tuần tra kiểm soát, phối hợp lực lượng biên phòng, bắt giữ 17 vụ vi phạm quy định quản lý đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, với số lượng 52 contener, trị giá hàng hoá bị tịch thu gần 7 tỷ đồng...

Ông Chu Ngọc Hà, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tình hình buôn lậu cuối năm diễn biến phức tạp. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường tuần tra kiểm soát; xây dựng cơ sở điều tra xác minh để tổ chức chặn bắt.

Còn tại địa bàn cửa khẩu Chi Ma, ông Trần Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, cho biết: Ban đêm, Chi cục đã tăng cường đoàn viên thanh niên tham gia chống buôn lậu.

Mặc dù lực lượng chức năng đánh giá tình hình buôn lậu trên địa bàn Lạng Sơn đã giảm nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, cuộc chiến chống buôn lậu vùng biên giới Lạng Sơn vẫn rất cam go.

 

 

 Hà Chi (Theo VOV)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo