Xã hội

Giảng dạy phòng chống tham nhũng tại học đường

Ở Việt Nam, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong công tác Phòng chống tham nhũng, hàng năm, nhân ngày Quốc tế Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ phối hợp với một số tổ chức quốc tế như UNODC và UNDP tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật cũng như những nỗ lực của Đảng và nhà nước trong công tác Phòng chống tham nhũng.

ảnh minh họa

 

Ngày 9/12 hàng năm đã được quyết định chọn làm ngày Quốc tế chống tham nhũng với mục đích nâng cao nhận thức về tham nhũng và vai trò của Công ước trong phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. Vào ngày này hàng năm, Liên hợp quốc lại tổ chức các chiến dịch tuyên truyền trên phạm vi toàn cầu; đồng thời, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng gửi đến nhân dân trên toàn thế giới thông điệp về phòng, chống tham nhũng.

 

Năm nay, Phát biểu tại buổi tọa đàm Thiếu tướng, PGS,TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dâncho biết : Phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm hàng đầu nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Thời gian qua, nhằm nâng cao nâng cao nhận thức, trách nhiệm đồng thời xây dựng ý thức cho mọi công dân trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, từng bước hình thành phòng trào, thói quen văn hoá chống tham nhũng trong xã hội, Chính phủ đã xây dựng và ban hành đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

 

Tại Học viện An ninh nhân dân, ngay từ những năm 2008, nội dung phòng, chống tham nhũng đã được tổ chức nghiên cứu và giảng dạy. Theo quyết định số 1546/QĐ-T31(ĐT) ngày 25/7/2008 của Giám đốc Học viện An ninh  nhân dân về việc ban hành chương trình môn học hệ chính quy chuyên ngành Trinh sát bảo vệ An ninh nội bộ, nội dung phòng, chống tham nhũng thuộc môn học bảo vệ an ninh kinh tế, được bố trí giảng dạy với thời lượng 18 tiết (bao gồm 10 tiết giảng lý thuyết; 2 tiết thảo luận, xemina; 01 tiết xem phim và 04 tiết báo cáo thực tế).

 

Bài giảng trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về công tác phòng, chống tham nhũng: tình hình tội phạm tham nhũng trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế; mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ công tác công an phòng, chống tham nhũng; tổ chức  công tác phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ; phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi tham nhũng trong nội bộ; phòng, chống tham nhũng trên một số lĩnh vực trọng điểm,… Qua đó, nâng cao năng lực và rèn luyện kỹ năng của học viên trong công tác phòng, chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội hiện nay.

 

Nhìn chung, việc tổ chức giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng luôn thu hút được sự quan tâm của học viên do đây là một vấn đề nóng bỏng của xã hội, là mối quan tâm không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Học viên tích cực đưa ra các ý kiến về tình huống mà giáo viên đưa ra, hoạt động nhóm và thảo luận sôi nổi. Đa số học viên nhận thức tốt và thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân về phòng, chống tham nhũng; vận dụng được kiến thức về phòng, chống tham nhũng ở nhà trường để tuyên truyền cho gia đình, bạn bè. Học viên cũng nắm được các kỹ năng cơ bản trong tổ chức phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng để phục vụ công tác sau này.

 

Cùng với việc đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa, nội dung phòng, chống tham nhũng cần được đưa vào các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ học tập, tọa đàm khoa học, giao lưu truyền thống, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, xây dựng chuyên mục phòng chống tham nhũng trên trang thông tin điện tử của trường,… để tuyên truyền, giáo dục cho học viên.

 
Chinh Nguyễn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo