Pháp luật

Giao khoán đất rừng cho Sasco ở tỉnh Bình Phước: Công khai mua bán đất công

Nhân danh chủ rừng, Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung ký hợp đồng liên doanh với Công ty dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) để trồng 233,8ha caosu trên đất mà tỉnh Bình Phước giao khoán cho Sasco.

Tuy nhiên sau đó, ông Trần Tấn Minh - Giám đốc Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung - đã biến 248ha đất trên thành của riêng ông Minh, tổ chức sang nhượng trái phép.



“Chủ rừng” kiêm… “chủ nhân ông”?

 

Năm 2006, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho phép Sasco thực hiện dự án trang trại trên 545ha đất rừng, tại tiểu khu 363 - Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung. Đến năm 2008, dự án trang trại của Sasco vẫn không tiến triển, ngoài việc đơn vị này trồng được 18ha caosu.

 

Ngày 3/12/2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cắt bớt 200ha, từ dự án của Sasco để giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Diện tích còn lại (345ha), phía Sasco đề nghị cho chuyển sang trồng caosu.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã chấp thuận cho Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung - liên doanh với Sasco thực hiện trồng caosu trên diện tích đất rừng đã giao khoán cho Sasco là 105ha, tỉ lệ ăn chia là Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung 10%, Sasco được 90%.

 

Điều kỳ lạ, ông Trần Tấn Minh - Giám đốc Banquản lý rừng kinh tế  Suối Nhung - vừa đại diện đơn vị nhà nước ký hợp đồng liên doanh với Sasco xong, cùng ngày (2/4/2009), với tư cách cá nhân, ông Minh ký hợp đồng khác với Sasco.

 

Theo đó, vẫn trên 105ha đất trên, ông Minh bỏ chi phí khai hoang, cày ủi, trồng mới, chăm sóc 105ha caosu cho đến hết thời kỳ kiến thiết cơ bản (khi mở miệng cạo caosu).

 

Sasco góp vốn bằng 105ha đất, tỉ lệ ăn chia là ông Minh được 40% diện tích vườn caosu thực tế sau khi trồng; Sasco được 60% diện tích vườn caosu còn lại. Ngày 15/1/2010, Sasco ký hợp đồng liên doanh thứ hai với Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung (do ông Minh đại diện), trồng caosu trên 143,2ha đất rừng. Sasco được hưởng 90% và Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung hưởng 10% sản phẩm.

 

Cùng ngày,  ông Minh tiếp tục ký hợp đồng liên doanh với Sasco. Ông Minh bỏ  chi phí ra trồng caosu trên diện tích 128,8ha đất. Cam kết sau khi mở miệng cạo caosu, ông Minh được chia 48,1% vườn caosu và Sasco lấy 51,9% diện tích vườn còn lại.

 

Như vậy, với 2 hợp đồng liên doanh ký với Sasco trồng caosu trên tư cách cá nhân, ông Minh đã “hô biến” 2 hợp đồng vừa ký  trên danh nghĩa “chủ rừng” - Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung - để trở thành “chủ nhân ông” thật sự của 233,8ha đất rừng trồng caosu.

 

Chia chác đất công

 

Sau ký kết với Sasco và được toàn quyền quản lý sử dụng 233,8ha đất rừng giao khoán, không đợi tới lúc mở miệng cạo caosu, ông Minh đã cho thuê đất trồng mì trên toàn bộ diện tích caosu (4 triệu đồng/ha); đồng thời,  chia đất công cho nhiều cá nhân khai thác, chuyển nhượng trái phép.

 

Cơ quan chức năng phát hiện ít nhất có 14 trường hợp “xẻ thịt” đất công trái luật dưới hình thức “hợp đồng giao đất trồng caosu” cho các cá nhân như: Hoàng Hoan - nhân viên Hạt kiểm lâm Đồng Phú (2,5ha). Sau khi trồng caosu, Hoan sang nhượng lại cho Bùi Đình Huy – nhân viên Sasco, với giá 310 triệu đồng. Huy sang nhượng cho một người khác với giá 500 triệu đồng.

 

Nguyễn Hữu Tấn - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dân Sinh (10ha); Bùi Văn Quân - Giám đốc Bệnh viện Đồng Phú (5ha), Hoàng Văn Biên - nhân viên Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung (10ha), Nguyễn Tiên Phong - chuyên viên Chi cục Lâm nghiệp (6ha) v.v...

 

Ngoài ra, ông Minh cũng chia chác đất công hàng loạt cho nhiều cán bộ, quan chức khác trong huyện Đồng Phú và tỉnh Bình Phước.

 

Theo nhận định của cơ quan chức năng, ông Minh với vị trí là Giám đốc Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung, là chủ rừng, nhưng lại ký hợp đồng trồng caosu cho doanh nghiệp để hưởng lợi là sai nguyên tắc. Hành vi sang nhượng đất công là trái phép...

 

Về phía Sasco, nhận khoán đất rừng, nhưng trên thực tế, không đầu tư, mà phó thác cho đối tượng khác khai thác, sử dụng đất, cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trong vụ việc này.

 

 

Theo Lao Động

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo