Xã hội

Giáo sư Phạm Đức Dương: "Bỏ rơi con báo động sự đi xuống của văn hóa"

“Phải khẳng định rằng việc việc vứt bỏ con đẻ là không thể tha thứ, không thể chấp nhận được. Đây là một hành động nhẫn tâm và đi ngược lại với đạo lí, truyền thống văn hóa của người Việt Nam”, Giáo sư Phạm Đức Dương – Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Phương Đông chia sẻ.

Cháu bé kháu khỉnh bị người thân bỏ rơi tại bờ đê giữa hôm trời mưa gió rét tại xã Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội

Vứt bỏ con là hành động vô văn hóa, tàn nhẫn

Chúng tôi đã đưa tin về bé trai 1 tháng tuổi bị bỏ rơi trên bờ đê vào ngày 17/10/2013. Chị Nguyễn Thị Thái ( xóm 4 thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) trên đường đi làm đã phát hiện và cưu mang cháu. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Phạm Đức Dương – Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Phương Đông về vấn đề này.

Thưa Giáo sư, là một người nghiên cứu về nền văn hóa của Việt Nam, Giáo sư nhận xét như thế nào về vụ việc này ?

Giáo sư Phạm Đức Dương: Vụ việc bỏ rơi con trên bờ đê kể trên không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra. Trong những năm gần đây, việc bỏ rơi trẻ sơ sinh đã trở thành một vấn nạn nhức nhối của xã hội.

Cháu bé bị để lại trong trường hợp này vẫn còn một chút may mắn vì người mẹ đặt cháu trên bờ đê có nhiều người qua lại với mong muốn có người nhặt được và đưa về nuôi dưỡng. Một số trường hợp thương tâm hơn, mọi người không kịp phát hiện, cưu mang, có rất nhiều cháu đã không còn cơ hội sống sót.

Trước hết phải khẳng định rằng việc việc vứt bỏ con đẻ là không thể tha thứ, không thể chấp nhận được. Đây là một hành động nhẫn tâm và đi ngược lại với đạo lí, truyền thống văn hóa của người Việt Nam, dù cuộc sống khó khăn, đói rét bao nhiêu cũng vẫn cố gắng nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có một sự cảm thông với những người mẹ lầm lỗi này. Bởi lẽ, không có người mẹ nào nỡ vứt bỏ giọt máu của mình, vứt bỏ đứa con dứt ruột đẻ ra. Bất cứ người mẹ nào bỏ lại con mình đều có lí do.

Đa phần những bà mẹ vứt bỏ con là những bà mẹ trẻ, bà mẹ đơn thân, chưa đủ chín chắn trong cuộc sống. Do một phút bồng bột đã lỡ mang thai nhưng không đủ dũng cảm phá bỏ. Khi sinh con ra, đối mặt với sự phản đối từ gia đình, từ điều tiếng của xã hội, với nguy cơ mất tương lai nên đã vứt bỏ đứa con, để có tương lai tốt đẹp hơn. Hoặc do cuộc sống mưu sinh quá khó khăn, khiến họ không đủ khả năng nuôi dưỡng con mình.

www.youtube.com/watch

Thưa Giáo sư, những nguyên nhân nào dẫn đến những vụ việc đau lòng như trên ?

Đa số những vụ việc bỏ rơi con đều khó tìm được nguyên nhân vì không biết mẹ là ai để xác định nguyên nhân bỏ con và trợ giúp, thậm chí là xử phạt.

Tuy nhiên nguyên nhân trực tiếp dẫn của những vụ việc này là do tình trạng thiếu hiểu biết và quan hệ tình dục không an toàn trước hôn nhân của một bộ phận thanh niên. Tình trạng này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là hiện tượng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên Việt Nam. Theo một vài nghiên cứu đã cho thấy cứ đang cứ một trẻ em được sinh ra thì có một trẻ em bị phá bỏ. Và xa hơn nữa là vứt bỏ con mình.

Nâng cao văn hóa người Việt từ việc giáo dục của gia đình, nhà trường

Thưa giáo sư, có một số ý kiến cho rằng một những nguyên nhân khiến các bà mẹ trẻ không chồng mà vứt bỏ con mình là do quan niệm văn hóa của người Việt chưa chấp nhận việc những người phụ nữ chưa chồng mà có con. Chính áp lực này đã khiến những bà mẹ trẻ phải làm như vậy ?

Quan niệm văn hóa của nước ta ảnh hưởng rất nhiều từ nền văn hóa phong kiến Trung Quốc, đề cao lễ tiết của người phụ nữ. Người phụ nữ phải giữ gìn lễ tiết của mình, “ tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, nền văn hóa nước ta giao thoa với văn hóa phương Tây nên những quan niệm về lễ tiết của người phụ nữ không còn quá khắt khe.

Nhưng ở một số nơi, đặc biệt là vùng nông thôn, quan niệm này vẫn đang tồn tại khá nặng nề. Khi người phụ nữ chưa chồng mà có con thì không chỉ người phụ nữ đó mà bố mẹ, anh chị em cũng phải chịu điều tiếng của làng xóm láng giềng.

Chuyện không chồng mà có con vẫn còn là một vấn đề bị phê phán trong nền văn hóa Việt nam. Tuy nhiên, đôi khi sự phê phán quá mức khiến những người phụ nữ lầm lỡ dẫn đến sai lầm nối tiếp sai lầm. Vì danh dự của bản thân mình và gia đình nên đành bỏ đi đứa con của mình. Nhưng mọi nền văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng đều hướng đến cuộc sống tốt đẹp cho con người. Lấy sự sống của con người làm cốt lõi, không gì có thể phủ nhận được sự sống của con người trong đó có quyền làm cha mẹ, quyền sinh ra, nuôi dưỡng con cái.

Bờ đê nơi chị Thái nhặt được cháu bé

Hơn nữa, trong quan niệm của người Phương Đông, khi bào thai được hình thành thì một sinh linh bé nhỏ đã tồn tại trong cuộc sống. Khi đưa bé chào đời là một sinh linh trọn vẹn. Vì vậy, dù việc không chồng mà có con chưa phù hợp với nền văn hóa Việt Nam, nhưng mỗi người không nên quá khắt khe, khiến những người mẹ phải vứt bỏ con mình.

Mỗi cá nhân nên khoan dung, vị tha cho lỗi lầm mà những người mẹ trẻ đơn thân mắc phải, không nên kì thị, xa lánh mà cần giúp đỡ họ vượt qua điều tiếng, khó khăn để nuôi dưỡng con cái khôn lớn. Như vậy mới thực sự là một người sống có văn hóa. Mới đi đúng với ý nghĩa nhân văn của nền văn hóa Việt Nam.

Thưa Giáo sư, để hạn chế và giải quyết hết hiện trạng này, chúng ta nên đưa ra những biện pháp gì?

Biện pháp chủ yếu để khắc phục tình trạng này đó là nâng cao việc giáo dục của gia đình và nhà trường đối với trẻ vị thành niên, đặc biệt là giáo dục những kiến thức về quan hệ tình dục an toàn.

Ngoài ra, trong mỗi gia đình, ông bà, bố mẹ cần dạy dỗ cho con cái những hiểu biết và sự quan trọng của tình thân “máu mủ ruột rà”. Giáo dục cho trẻ hiểu được trách nhiệm nặng nề và thiêng liêng của việc làm cha, làm mẹ thông qua việc phê phán những người mẹ đã bỏ rơi con. Đồng thời, có thể cho trẻ đi thăm, tặng quà tại các trại trẻ mồ côi, để các em hiểu hết được sự bất hạnh của những trẻ em sinh ra không có cha mẹ. Từ đó, nâng cao nhận thức của trẻ vị thành niên, để tránh xảy ra những câu chuyện bỏ rơi con ruột thương tâm.

Xin cảm ơn giáo sư!

Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo