Giật mình với những cái dốt “giết” người trong ngành y
Sai ngớ ngẩn: Nhầm nước cất là vaccine
Cán bộ tiêm chủng tại điểm tiêm Trường mầm non Sao Mai (phường 3, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã tiêm nhầm nước cất thay vì vaccine sởi – rubella cho 60 trẻ. Chỉ vì cán bộ tiêm chủng chuyên môn yếu kém nên nhầm lẫn các ống dung dịch hồi chỉnh (nước cất) là loại vaccine nên tiêm nước hồi chỉnh mà không có vaccine cho trẻ. Theo tường trình của cán bộ tiêm chủng: Khi mở nắp phích vaccine để tiêm chỉ thấy các ống dung dịch hồi chỉnh là nước cất, mà không thấy các lọ vaccine nằm ở đáy phích nên lầm tưởng các ống dung dịch hồi chỉnh là loại vaccine mới nên tiêm nước hồi chỉnh mà không có vaccine. Khi sai sót trên được cán bộ giám sát phát hiện thì nhân viên tiêm chủng đã tiêm được 6 ống cho 60 cháu.
“Sự nhầm lẫn này là không thể chấp nhận. Đây là lỗi sai rất ngớ ngẩn. Kiến thức rất cơ bản về tiêm vaccine là phải pha nước cất với vaccine sau đó mới tiêm nhưng cán bộ tiêm chủng đã không thực hiện đúng. Nếu không kịp thời phát hiện thì không biết chừng 170 trẻ ở trường mầm non phải chịu đau để tiêm nước cất… mà cứ nghĩ đã được tiêm vaccine”, một giáo sư đầu ngành về tiêm chủng nêu ý kiến.
Theo tìm hiểu, đoàn đi tiêm chủng cho Trường mầm non Sao Mai có 5 người, gồm Trưởng trạm là bác sĩ và 4 nhân viên đều là y sĩ. Các nhân viên này trước khi tiêm chủng đã được tập huấn. Dư luận đặt nghi ngờ: Liệu có phải những nhân viên này cố tình tiêm nước cất cho trẻ để “đánh lận” số vaccine trên. Lợi dụng việc tiêm chủng tại các trường học, không có sự giám sát chặt chẽ của các phụ huynh nên các nhân viên y tế đã làm liều?
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, bác sĩ Đoàn Tấn Bửu, đã cùng chính quyền địa phương tổ chức xin lỗi phụ huynh học sinh. Ông Bửu thừa nhận, sai sót trên là do “nhân viên trực tiếp tiêm ngừa trình độ tay nghề yếu” và ông xin không nêu tên nhân viên đã mắc lỗi nghiêm trọng đó. Về phía Bộ Y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho rằng, đây là lần đầu tiên xảy ra việc tiêm nhầm nước cất thay vì vaccine và đó là sự cố nhỏ!?
Đau đẻ, chẩn đoán viêm ruột thừa
Chị L.T.V (36 tuổi, trú tại phường Trần Phú, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã phải cắt bỏ tử cung còn thai nhi bị chết ngạt chỉ vì chẩn đoán sai của các bác sĩ BV Sản - Nhi Bắc Giang. Chị V kể: Khi tôi mang thai tuần thứ 36 có dấu hiệu đau bụng, sắp sinh đã đến BV Sản - Nhi Bắc Giang. Sau khi khám xong, bác sĩ kết luận thai nhi vẫn khỏe bình thường và cho nằm chờ trên bàn đẻ. Một lúc sau, tôi lên cơn đau dữ dội, bác sĩ khám cho biết có xuất huyết nhưng không có vấn đề gì. Đến 4h sáng, khi tôi đau bụng dữ dội, không thể chịu nổi nữa, lúc này bác sĩ và kíp trực cho tôi đi siêu âm, chẩn đoán, nghi bị viêm ruột thừa và làm giấy chuyển sang BV Đa khoa Bắc Giang. Sang BV Đa khoa Bắc Giang, các bác sĩ kết luận tôi bị vỡ cổ tử cung, tràn dịch và huyết ra ngoài. BV đã tiến hành mổ cắt bỏ cổ tử cung còn thai nhi đã chết ngạt vì thiếu ôxy.”
Đau xót trước việc mất con và vợ mất đi khả năng sinh nở, chồng chị V bức xúc: “Vì chẩn đoán sai mà con tôi mới chết ngạt và vợ tôi phải cắt bỏ cổ tử cung. Các bác sĩ BV Đa khoa Bắc Giang nói, nếu vợ tôi được mổ sớm trước đó một hai tiếng thì đã cứu được cả hai mẹ con…”.
Trước sự việc này, lãnh đạo BV Sản – Nhi Bắc Giang cho rằng “đây là một ca khó” nên các bác sĩ ca trực chẩn đoán “không ra” phải chuyển sang BV Đa Khoa Bắc Giang. Vì sao trước đó lại chẩn đoán sản phụ bị viêm ruột thừa thì lãnh đạo BV này đã loanh quanh rằng: Phải chờ hội đồng chuyên môn thẩm định.
Xuất huyết màng não lại “phán” đau ruột thừa
Cái chết đột ngột của bé N.T.H.Nh (11 tuổi, xóm 10, xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Hà Nội) mới đây cũng là hậu quả tay nghề dốt của các bác sĩ BV Đa khoa Quốc Oai. Cháu Nh nhập viện lúc 5h ngày 19.10 với triệu chứng đau bụng. Sau khi nhập viện, tiến hành siêu âm, bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị viêm ruột thừa, sau đó cháu vẫn sốt cao tới 41 độ và tiếp tục cho theo dõi, truyền nước. Chiều hôm sau, triệu chứng bệnh của Nh nặng hơn, người lả đi, nôn, sốt. Người nhà đề nghị cho bệnh nhi Nh được chuyển viện lên tuyến trên nhưng BS từ chối. Đến 20h, tình trạng của cháu Nh nặng hơn, đến 21h, y tá cho chuyển cháu Nh xuống tầng 1 của bệnh viện để theo dõi. Suốt thời gian sau đó, bé Nh không được bác sĩ thăm khám. Đến 5h ngày 21.10, khi cháu được bác sĩ “sờ” đến thì đã nguy cấp và tử vong.
Lúc này, lãnh đạo BV lại cho rằng, cháu Nh tử vong là do xuất huyết màng não thể tối cấp và có triệu chứng của bệnh tim. Sau đó Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc, Hội đồng chuyên môn đã thành lập kết luận: Kíp trực tiên lượng bệnh không tốt. Cháu bé đã phải chết oan uổng bởi sự tắc trách, kém chuyên môn của các bác sĩ. Một điều đáng trách hơn nữa là những y bác sĩ này tay nghề chuyên môn đã yếu nhưng coi thường tính mạng của người bệnh nên không cho chuyển viện sớm.
Bác sĩ dốt là “giết” người không dao
Cố GS Tôn Thất Bách khi còn sống với cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đã luôn răn dạy sinh viên rằng: Người bác sĩ dốt có thể là kẻ “giết” người không dao. Không cho phép người thầy thuốc sai sót bởi mỗi cái sai sót đó ảnh hưởng đến tính mạng con người… Những năm gần đây, nhiều vụ việc bê bối xảy ra trong ngành y được báo chí lên tiếng. Nhưng có một thực tế là những sai sót của các bệnh viện, cơ sở y tế lại rất ít được thống kê hay nhắc đến trong các báo cáo định kỳ.
Một con số thống kê của Bộ Y tế từ đầu năm đến nay về khiếu kiện của người bệnh cho thấy, trong gần 6.000 cuộc gọi đến đường dây nóng các BV, Sở Y tế, Bộ Y tế, thì có tới 28% số cuộc gọi phản ánh về những sai sót quy trình chuyên môn. Đặc biệt có 7,3% số cuộc gọi phản ánh về các hiện tượng tiêu cực tại các cơ sở y tế, 14% phản ánh về thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ đối với người bệnh trong khi chỉ có 1,4% số cuộc gọi khen ngợi tập thể hoặc cá nhân các bác sĩ đã nhiệt tình, tận tụy trong điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân... Có thể nói những con số này đã nói lên phần nào thực trạng xuống cấp về tay nghề của các thầy thuốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo