Giấy phép hết hạn 3 năm, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên "nổ mìn, phá đá"
Kể từ khi doanh nghiệp tư nhân Đức Tiến tổ chức khai thác đá tại mỏ đá Ninh Tiến, các hộ dân thuộc hai thôn Đồng Chùa và Ninh Tiến thuộc xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã phải sống khổ sở trong cảnh "bão bụi, mưa đá."
Bụi trùm lên nhà, phủ trắng đồng ruộng, đá thì bay lên mái nhà, sạt lở xuống ruộng vườn, người dân phải tìm đủ mọi cách để bảo vệ mình. Điều đáng nói là đơn vị này đã hết hạn giấy phép khai thác từ 3 năm nay nhưng vẫn ngang nhiên khai thác mà không bị bất kỳ cơ quan nào phát hiện và xử lý.
Đá "bay" vào nhà dân
Ông Nguyễn Hữu Toàn, thôn Ninh Tiến, xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương cho biết, việc doanh nghiệp Đức Tiến khai thác khoang sản đã ở đây đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống bà con khu vực này. Những lúc nổ mìn hay khi máy nghiền đá hoạt động thì tiếng ồn rất lớn, nói chuyện cũng không nghe thấy. "Chưa nói đến việc cách đó không xa, có 3 lớp mầm non với 120 cháu từ 2-4 tuổi đang học tập, cứ đà này vài năm nữa học sinh sẽ điếc hết," ông Toàn lo lắng.
Ngoài ra, việc nổ mìn của đơn vị này cũng không đúng giờ. Con đường dân sinh từ mỏ đá ra đến đường liên thôn dài khoảng 300m bị "cày nát," dù đã được đổ đất đá để tạm thời đi lại được. Riêng con đường nối ba thôn do Bộ Giao thông Vận tải rải nhựa, đoạn nối với Quốc lộ 2C dài khoảng hơn 200m đã bị các loại ô tô đi lại "cày phá" hết. Trong các cuộc họp thôn và các cuộc họp hội đồng nhân dân, bà con đã có ý kiến nhưng không nhận được phản hồi.
Nhà nằm ngay chân núi, chỉ cách mỏ khai thác đá chưa đến 100m, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Đồng Chùa, xã Tuân Lộ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhớ như in lần nổ mìn năm 2013, ông Hùng kể lại: Đợt đó sau khi nổ mìn, hàng trăm khối đá sạt xuống vườn nhà ông. Chỉ cách nhà khoảng 20m, những phiến đá to bằng chiếc xe trâu, có viên to hàng mấy khối tràn xuống vườn làm hỏng gần 10 bụi tre, 2 cây nhãn dập nát chỉ còn trơ góc, bụi trùm xuống cả một vùng như sương mù, trong khoảng 30m thì không nhìn thấy gì.
Đợt đó, đơn vị này cũng chỉ bồi thường cho ông được 3 triệu đồng trong khi giá trị tổn thất thực tế, theo ông Hùng, là hơn 10 triệu đồng. Doanh nghiệp hứa rút kinh nghiệm nhưng ông Hùng cho biết, việc nổ mìn làm đá sạt xuống vườn nhà ông vẫn tái diễn.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh vườn, tận mắt chứng kiến những viên đá còn sót lại trong vườn, trên mái nhà, ông Hùng cho biết thêm, riêng năm nay, nhà ông đã bị ba lần đá bay vào nhà. Ông cũng đã báo lên xã, yêu cầu doanh nghiệp làm cam kết đảm bảo an toàn nhưng đơn vị này không thực hiện. Khi nào đơn vị này cho nổ mìn thì đá lớn sạt xuống vườn, những viên đá nhỏ bay vào khu vực nhà có viên to bằng cái bát, còn loại to bằng cái chén thì rất nhiều.
Căn nhà ông Hùng mới được xây dựng kiên cố nhưng việc "bắn" mìn với khối lượng thuốc nổ lớn quá khiến cho nhà bị nứt nhiều chỗ. Kèm theo đó là khói bụi mù mịt trùm xuống khu vực này. Đặc biệt, khi doanh nghiệp này chạy máy nghiền đá, gặp gió mùa Đông Bắc thì bụi phát tán khiến 7-8 gia đình ở khu vực này lúc nào cũng có cảm giác như bị sương mù bao phủ. Khoảng 3-4 sào đất trước kia trồng ngô, trồng sắn nhưng bây giờ Hùng chỉ dám trồng những cây lâu năm để không phải lên đó chăm sóc.
Để đối phó với các cơn "bão bụi," các hộ dân nơi đây phải phải đóng chặt cửa, dùng tấm bạt để bịt kín toàn bộ hiên nhà và giếng nước để tránh bụi. Anh Nguyễn Văn Hiếu, thôn Đồng Chùa, lo lắng kể rằng máy nghiền đá của đơn vị khai thác mỗi khi hoạt động làm bụi phát tán rất lớn, bám đầy trên mặt lá khiến cây trồng kém năng suất, .
Trưởng thôn Đồng Chùa, Hà Văn Sơn khẳng định việc nổ mìn gây sạt lở xuống nhà dân là có. Cụ thể, năm 2013, đã có khoảng 2.000 khối đá sạt lở xuống khu vực chỉ cách nhà ông Nguyễn Văn Hùng mấy chục mét.
Hiện, Ninh Tiến là thôn chịu ảnh hưởng nhiều nhất của tình trạng bụi đất đá, còn riêng thôn Đồng Chùa có hai hộ ở sát khu vực sườn đá khai thác. Người dân hai thôn kiến nghị, để đảm bảo an toàn, doanh nghiệp Đức Tiến phải quy hoạch cả khu vực có liên quan, để đền bù, giải phóng cho các hộ dân.
"Con voi chui lọt lỗ kim"
Căn cứ vào giấy phép khai thác số 64/GP-UBND ngày 7 tháng 9 năm 2009 , Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang cấp cho Doanh nghiệp tư nhân Đức Tiến, đơn vị này được khai thác trong vòng 2 năm.
Tại vùng mỏ rộng khoảng 3,5ha, dù giấy phép đã hết hạn từ 3 năm nay nhưng doanh nghiệp này vẫn thường xuyên tiến hành khai thác đá trái phép. Điều lạ lùng là không có bất cứ cơ quan chức năng nào phát hiện, xử lý.
Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên đã làm việc với ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tuân Lộ, và lúc này ông Thọ mới biết rằng giấy phép khai thác của doanh nghiệp trên đã hết hạn.
Theo ông Thọ, hiện nay trên địa bàn xã có 4 đơn vị khai thác đá vôi, tuy nhiên hiện nay xã lại không có đầy đủ hồ sơ về các đơn vị này nên không biết đơn vị này đã hết hạn khai thác hay chưa. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại không tự giác báo cáo khi được gia hạn hoặc hết hạn, còn thông báo của Sở Tài nguyện Môi trường về xã không kịp thời. Việc xã không có hồ sơ đầy đủ về các đơn vị khai thác mỏ trên địa bàn gây khó khăn rất lớn trong công tác quản lý.
Theo cán bộ địa chính nông nghiệp, xây dựng môi trường xã Tuân Lộ, hiện nay xã không có bất kỳ giấy tờ gì về hồ sơ của doanh nghiệp tư nhân Đức Tiến. Trong báo cáo cuối năm 2013, Ủy ban Nhân dân xã đã đề nghị các đơn vị trên địa bàn thường xuyên gửi công văn, giấy tờ liên quan đến việc khai thác khoáng sản lên xã.
Việc xã không có hồ sơ của các đơn vị đã gây khó khăn cho việc quản lý. Trên thực tế, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 13/2007/QĐ-UBND, ngày 25 tháng 7 năm 2007 quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành và tổ chức, cá nhân trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Nhưng từ nghịch lý "Con voi chui lọt lỗ kim" đang diễn ra ở hai thôn Đồng Chùa và Ninh Tiến, có thể thấy rằng việc phối hợp trong quản lý từ cấp xã đến cấp tỉnh, huyện đang có nhiều bất cập./.
Theo Vietnam+
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo