Pháp luật

Giết 5 người tìm trầm để cướp… 2 triệu đồng

Phiên tòa xét xử các bị can trong vụ giết 5 người tìm trầm xảy ra vào tháng 3.2013 ở vùng biên giới Việt - Lào thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2.2014 đã bị hoãn lại. Dư luận đang rất quan tâm về vụ án giết người rùng rợn, đẫm máu này và chờ đợi sự phán quyết nghiêm minh của pháp luật đối với những kẻ thủ ác.

Bị can Hồ Văn Thành và bị can Hồ Văn Công bị cơ quan điều tra bắt giữ. Ảnh: Sông Lam - Thanh Bình

Uống rượu kể chuyện giết người

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 nghi can chính trong vụ giết 5 người đi tìm trầm là Hồ Văn Công, Hồ Văn Thành và Hồ Văn Nguyên về các tội “giết người”, “cướp tài sản”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại Điều 93, Điều 133, Điều 134 và Điều 230 Bộ luật Hình sự. 
 
Trước khi khai nhận ở cơ quan điều tra về hành trình giết 5 người tìm trầm, các bị can cũng đã kể toàn bộ câu chuyện đẫm máu đó tại một quán rượu; một người tên Thao nghe xong đã phải kêu lên: “Bắt người đòi tiền chuộc và cướp tài sản thôi, răng lại giết người”. 
 
Khoảng 10h ngày 23.3.2013, tại khe Cha Lỳ, bản Cợp, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Công, Thành và Nguyên phát hiện 2 lán nằm liền kề nhau, trong lán có 7 người đàn ông, ở cùng quê Quảng Trạch, Quảng Bình. Lúc này, Nguyên cầm súng AK xông vào khống chế bắt tất cả ra khỏi lán và đứng thành một hàng. Thành đưa dây dù cho Công, rồi Công ra lệnh cho một người trong nhóm người bị khống chế phải tự tay trói những người kia lại. 
 
Sau khi cả 7 người đều đã bị trói 2 tay ra sau lưng và trói thắt thòng lọng từ cổ người này qua cổ người kia. Nguyên đưa súng cho Thành canh giữ, còn Nguyên và Công vào lán lục lấy tài sản, gồm 1 điện thoại di động, 1 sợi dây chuyền màu trắng, 1 dây đeo tay bằng hạt gỗ. 
 
Hồ Văn Công đã đòi tiền chuộc 7 người là 120 triệu đồng. Lúc này một người trong nhóm là Hoàng Văn Hà xin về lấy tiền, được Công đồng ý với lời dặn trong vòng 3 ngày đêm phải có tiền đưa vào. Theo lời khai, khoảng 22h đêm 23.3.2013, Hồ Văn Công sai Hồ Văn Thành đi đào hố để giết 6 người xong thì chôn xác họ. Công lại sai Thành chặt một cái dùi dài khoảng 1,2m, đường kính 3 – 4cm. 
 
Rồi Công và Thành quay lại nơi trói người và dẫn từng người một đi xuống hố. Người đầu tiên là anh Nguyễn Văn Sáu. Công dùng dùi gỗ nói trên đập mạnh 2 phát vào gáy, anh Sáu kêu “ứ” rồi ngã sấp xuống hố. Người thứ hai là Trần Văn Trị cũng bị Công đánh bằng dùi gỗ. Người thứ ba Nguyễn Văn Thắng, người thứ tư Trương Thanh Hiền, người thứ năm Đinh Văn Thân. Riêng anh Hiền không chết ngay mà còn rên nhẹ, Công sai Thành lấy đá đập vào mặt cho chết hẳn. 
 
Tiếp đó, Công lên dẫn người thứ sáu là anh Đỗ Văn Hiền, nhưng anh này đã bỏ chạy và trốn thoát. Trong khi Công và Nguyên đi tìm người trốn chạy thì Thành lấp các xác chết. Theo lời khai của các bị can, lấp xong hố chôn người là vào khoảng 2h sáng ngày 24.3.2013. 
 
Nhiều bài học đắt giá
 
Vụ án 5 người đi tìm trầm bị giết ở khu vực biên giới Việt – Lào này đã và đang tiếp tục gióng lên những hồi chuông báo động trên nhiều phương diện. Tổng giá trị tài sản mà các bị can đã cướp được của những người tìm trầm là 2.253.200 đồng (Hội đồng định giá tài sản UBND tỉnh Quảng Trị xác định số tiền trên từ 3 chiếc máy điện thoại và 1 sợi dây chuyền bạc). 
 
Trong trại tạm giam, các bị can đều nhận ra những lỗi lầm, tội ác quá ghê sợ mà mình đã gây ra cho chính những đồng bào của mình. Còn những người vượt biên trái phép để tìm trầm trong rừng thì sao? Chắc chắn rằng sau cái chết tức tưởi, oan ức của 5 người tìm trầm xấu số nói trên, họ cũng phải chọn cho mình một con đường làm ăn an toàn hơn.
 
Câu hỏi vẫn luôn ám ảnh là liệu vụ thảm sát 5 người tìm trầm này có xảy ra hay không? Theo cáo trạng đề ngày 6.1.2014 của Viện KSND tỉnh Quảng Trị thì trước ngày xảy ra vụ thảm sát nói trên một ngày, tức là ngày 22.3.2013, các bị can Công, Thành và Nguyên cũng đã dùng súng AK lên đạn khống chế và trói 3 người tìm trầm là Nguyễn Thanh Liêm, Hoàng Lê Dũng và Trần Minh Tuấn (cùng trú tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) để cướp tài sản. Rất may mắn ba người này đã tự cởi trói cho nhau và trốn thoát được. 
 
Ba người trốn thoát này có đến đồn biên phòng hoặc cơ quan chức năng gần nhất trên đường trốn chạy để trình báo về việc có một nhóm cướp gồm 3 tên trang bị súng đang hành sự trong rừng, nơi có các nhóm người đang tìm trầm không? Đây là một câu hỏi rất quan trọng, vì nếu “nhà chức trách” nào đó đã có được thông tin từ 3 người trốn thoát này mà không chủ động xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền để triển khai ngăn chặn tội phạm thì họ cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. 
 
Cũng theo cáo trạng vụ án, thì khoảng sau 18h ngày 23.3.2013, bị can Công mới cho Hoàng Văn Hà về nhà lấy tiền chuộc người và khoảng 21h cùng ngày, anh Hà về lại lán và kể cho những người trong lán nghe toàn bộ diễn biến sự việc trên. 
 
Như vậy, khoảng cách từ nơi giam người đến nơi ở của những người tìm trầm khoảng 3 giờ đi bộ. Trong khi đó, lán trại nằm ngay trên đất Việt Nam, sát các trạm, đồn biên phòng cửa khẩu. Giả định rằng, khi về đến lán trại, những người tìm trầm báo ngay cho cơ quan chức năng sở tại về hiểm họa chết người mà 6 con người xấu số đang phải chờ đợi, thì việc tổ chức truy bắt, giải cứu là hoàn toàn có thể. 
 
Vì rằng, sau khi cho người về lấy tiền chuộc, khoảng 22h đêm, Công mới sai Thành đào hố chôn người, Thành chỉ dùng một cây dao mà đào được cái hố dài 1,6m, rộng 0,9m, sâu 0,8m, rõ ràng phải mất nhiều thời gian. Mặt khác, theo lời khai của các bị can, việc giết người và lấp xác hoàn thành lúc 2h sáng ngày hôm sau cũng cho thấy có đủ thời gian để thực hiện cuộc giải cứu (nhiều hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ), nếu có tin báo tội phạm.
Báo Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo