Xã hội

Gio Linh, Quảng Trị: Dân điêu đứng vì khai thác ti tan

Nhiều năm nay, cuộc sống người dân vùng cát Gio Mỹ luôn bị xáo trộn bởi hoạt động khai tác ti tan của 2 doanh nghiệp khoáng sản là Cty Cổ phần Khoáng sản Thanh Tâm (Cty Thanh Tâm) và Cty Cổ phần Khoáng sản Hiếu Giang (Cty Hiếu Giang).

Khi vụ việc “lùm xùm” liên quan đến khai thác ti tan ở lòng hồ Trạng Đìa của Cty Thanh Tâm tạm lắng thì mới đây, người dân vùng cát Gio Mỹ lại thấp thỏm lo âu khi biết tin Cty Hiếu Giang đang cố gắng “xin” tỉnh cấp thêm 42,9 ha đất tại địa phương này để tiếp tục khai thác ti tan.

 Người nông dân “già trước tuổi” Mai Văn Ngọ ở làng An Mỹ đang lo lắng vì không thể trồng cấy, canh tác trên đất đai đã hoang hóa, cạn kiệt nguồn nước và khoáng chất do khai thác ti tan. Ảnh: Ban Mai
 
Làng họ Dương bị già trước tuổi
 
Theo con đường bê tông đi qua những vạt phi lao lưa thưa, cằn cỗi, chúng tôi gặp người phụ nữ lam lũ, trầy trật cầm thừng kéo mấy con bò ra đám ruộng chỉ trơ toàn cát trắng cho chúng tìm chút cỏ để ăn. Cát bỏng rát dưới nắng trưa khiến mấy con bò cứ đi một đoạn lại nhảy dựng lên, trì kéo  như thách thức nỗi nhọc nhằn của người phụ nữ nông dân đã quá mỏi mệt vì hệ lụy khai thác ti tan ở vùng quê nghèo bỏng rát gió Lào và cát trắng.
 
Đối diện đám ruộng khô quắt là ngôi nhà của nông dân Mai Văn Ngọ. Chưa đến 40 tuổi nhưng khuôn mặt anh Ngọ khắc khổ, sạm đen không khác gì ông lão bảy mươi. Biết chúng tôi về Gio Mỹ tìm hiểu về việc khai thác ti tan, nhiều nông dân khác ngay lập tức cùng có mặt, lên tiếng về việc làm tắc trách của Cty Hiếu Giang trên đất đai, đồng ruộng của họ. Cũng như vợ chồng anh Mai Văn Ngọ, khuôn mặt những nông dân họ Dương ở làng An Mỹ mà chúng tôi gặp như ông Dương Lành, Dương Bá Lai, Dương Châu, Dương Bá Sinh, Dương Minh Hoàng, Dương Văn Phi… đều toát lên vẻ mỏi mệt, bơ phờ và già trước tuổi do cuộc sống bị xáo trộn, sản xuất bị bế tắc, kèm theo đó là nỗi lo không biết bao giờ việc khai thác ti tan ở làng quê nghèo này chấm dứt.
 
Theo lời anh Ngọ và những người dân thôn An Mỹ, kể từ năm 2008 khi Cty Hiếu Giang về khai thác ti tan, sản xuất, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn theo chiều hướng xấu. Ngoài diện tích rừng 661 được Nhà nước đầu tư trồng từ năm 2002 (nhằm chống tình trạng “cát bay, cát chạy, cát nhảy” bị xâm lấn), đất sản xuất của 34 hộ dân bị đào xới không thể khôi phục lại để trồng trọt. Đồng cỏ làm nơi chăn thả đàn trâu bò hơn 300 con không còn nữa. Mạch nước ngầm trong cát cũng bị ảnh hưởng kèm theo đó là ô nhiễm trầm trọng nguồn nước khiến gần 50% hộ dân An Mỹ lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước tưới cho khoảng 40 ha đồng ruộng của 2 đội sản xuất vừa cạn kiệt vừa nhiễm phèn nặng khiến sản lượng thu hoạch giảm sút từ 45 tạ/ha xuống còn chưa đầy 25 tạ/ha.
 
Hệ lụy tiềm ẩn
 
Theo lời người dân An Mỹ, khi kết thúc khai thác ti tan ở từng giai đoạn, Cty Hiếu Giang có trồng lại cây cối nhưng cây cằn cọc khô héo, không thể trở lại là những vạt rừng có công năng chống “cát bay, cát chạy, cát nhảy” bảo vệ đời sống, sản xuất của nông dân. Dù Cty Hiếu Giang đã có động thái hỗ trợ phân bón và tiền mặt là 3 triệu đồng/hộ bị ảnh hưởng nguồn nước nhưng việc canh tác và đời sống sinh hoạt của người dân không hề được cải thiện 
 
Hoàn thổ phần nhiều mang tính đối phó, để lại hậu quả xấu cho đời sống, sản xuất ở vùng cát Gio Mỹ, tuy nhiên khi tiếp xúc với PV, ông Lê Ngọc Ly, Giám đốc Cty Hiếu Giang vẫn một mực cho rằng “chúng tôi làm cái gì cũng đúng”. Theo lời ông Ly thì Cty ông đã làm đúng pháp luật và các quy định của Nhà nước khi tiến hành khai thác ti tan ở Gio Mỹ từ năm 2008 đến nay.
 
Khi chúng tôi đề cập đến sự đồng thuận của người dân đối với hoạt động khai thác ti tan thì ông Ly đã không đưa ra được lời giải thích thuyết phục.
 
Không còn rừng chắn cát, người dân vùng cát Gio Mỹ sẽ phải đối mặt với hiểm họa “cát bay, cát chạy, cát nhảy”. Ảnh: Ban Mai
 
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Gio Mỹ cũng cho rằng ngay từ khi bắt đầu khai thác ti tan, Cty Hiếu Giang đã không nhận được sự đồng thuận của đa số người dân trong xã. Theo ghi nhận của chúng tôi, sau 6 năm khai thác ti tan ở Gio Mỹ, Cty Hiếu Giang đã để lại những hệ lụy khiến người dân điêu đứng. Chính quyền Gio Mỹ hiện vẫn “ngập ngừng”, chưa ký vào bản xác nhận “trả lại nguyên trạng đất đai” của Cty Hiếu Giang vì Cty này hoàn thổ không đúng cam kết. Xác nhận này là cơ sở để Cty Hiếu Giang “xin” cấp thêm 42,9 ha đất ở Gio Mỹ, tiếp tục khai thác ti tan trong những năm tới.
 
Việc xin cấp thêm đất khai thác ti tan của Cty Hiếu Giang trên thực tế đang gây nên nỗi sợ hãi, hoang mang đối với người dân Gio Mỹ. Theo phản ánh của người dân, chiều ngày 29/9 vừa qua, khi đại diện chính quyền xã Gio Mỹ cùng lãnh đạo Cty Hiếu Giang về An Mỹ để đo đạc xác định diện tích đất mà Cty này xin cấp thêm, rất nhiều người đã bỏ công ăn việc làm, đổ ra đường  phản đối.
 
Trên 72.000 dân xã nghèo vùng cát Gio Mỹ của huyện Gio Linh đang đối mặt với  hệ lụy tiềm ẩn từ khai thác ti tan. Ngoài lời khẳng định “làm cái gì cũng… đúng”, ông Lê Ngọc Ly, Giám đốc Cty Hiếu Giang cho chúng tôi xem bảng tổng hợp thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước trong 2 năm (2012, 2013) với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng. Trong số 9 khoản thuế phải nộp, phí bảo vệ môi trường trong 2 năm 2012, 2013 chỉ vỏn vẹn 816.114.600 đồng - quá nhỏ bé so với những hệ lụy sinh kế lâu dài mà Cty này để lại trên đất đai, đồng ruộng Gio Mỹ. Đấy là chưa kể đến thiệt hại từ các cánh rừng trồng theo dự án “chống cát bay, cát chạy, cát nhảy” mà lãnh đạo tỉnh Quảng Trị từng đặt nhiều kỳ vọng, đã bị hoạt động khai thác ti tan làm cho kiệt quệ.
 
Muốn khôi phục các cánh rừng này như nguyên trạng, chắc chắn địa phương Quảng Trị phải vắt ngân sách chi ra khoản tiền lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền trên 13 tỷ nộp ngân sách của Cty Hiếu Giang.
Báo Thanh tra
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo