Giỗ tổ Hùng Vương: Mạch thiêng từ xa xưa-phép mầu thời hiện đại
Trải hàng nghìn năm cộng đồng dân tộc Việt đời nối đời thờ cúng các Vua Hùng như những bậc Tiên tổ sinh ra giòng giống Việt, văn hoá Việt, những vị Vua khai sáng cương vực, lập nhà nước đầu tiên cho cộng đồng Việt cổ. Nay thì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, đã được UNESCO, vào ngày 6-12- 2012, công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Mạch thiêng tâm linh từ ấy đã bao đời nay chảy trong dòng máu mỗi người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước và làm ăn sinh sống ở bốn phương trời. Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng Ba âm lịch, hơn 90 triệu con tim người Việt lại hướng về mây núi Hy Cương, hàng chục nghìn cháu con nao nức trẩy hội Đền Hùng.
Mạch thiêng ấy là nguồn sức mạnh vô bờ bến mà nhờ nó, một dân tộc nhỏ bé ban đầu dưới một triệu dân, đã có thể vượt qua trùng trùng nguy nan-những triền miên hiểm hoạ thiên nhiên và giặc xâm lăng, để trường tồn và phát triển trong độc lập và tự chủ trải hàng nghìn năm tới nay và mãi mãi.
Mạch thiêng ấy chảy trong tâm thức dân ta mà làm nên truyền thống lâu đời “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Tỏ lộ ra trong đời sống thường nhật thành nếp hành xử đền ơn đáp nghĩa lúc sinh thời các bậc sinh thành, các anh hùng, nghĩa sĩ, các vị có công với làng, với nước từ xa xưa đến thời hiện đại, và lập đền thờ, bàn thờ để thờ phụng khi các ân nhân ấy qua đời. Đỉnh Hy Cương thành núi thiêng, nơi muộn nhất là vào triều Lê (TK 15) đã xây Đền Hùng là làm Lễ tế ở cấp quốc gia. Nay Khu di tích núi Hùng thêm hoành tráng và đã nguy nga thêm đền mới thờ Mẹ Âu Cơ và Các vua Hùng. Trên cả nước, thì Lế giỗ Tổ diễn ra cùng ngày 10 tháng Ba trên mọi Đền thờ Hùng Vương và các nhân vật thời dựng nước (chiếm số lượng lớn nhất : 1.417 đền miếu, và có mật độ dầy nhất trên địa bàn Đất Tổ -Phú Thọ: 326 di tích). Hàng nghìn đình, đền ,miếu, quán, phủ điện trên cả nước thờ phụng các anh hùng, nghĩa sĩ, các danh nhân…
Mạch thiêng ấy làm nên thiêng liêng hai tiếng Tổ quốc, làm nên gắn kết hai tiếng “Đồng bào”. Lũ lụt ập đến, thì cả làng sát cánh nhau chống lụt. Giặc đến, thì từ xa xưa, nghe tiếng trống đồng dồn dập, mọi làng xã cùng đứng lên dáo mác, cung tên chống giặc. Thì khi Hai Bà Trưng vào đầu Công nguyên thề “Một xin rửa sạch nước thù-Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng” và ra lời kêu gọi, cả nước vùng lên đánh đuổi quân đô hộ nhà Hán, lấy lại nền độc lập. Thời hiện đại thì một lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào lúc nền độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ bị đe dọa mất còn, tháng 12/1946, : “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên…”là cả nước đứng lên hai lần kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Ngày nay, đất nước bước vào kỷ nguyên CNH, HĐH trong hội nghập quốc tế, dân tộc ta, mà tiên phong trong chấn hưng nền kinh tế là đội ngũ doanh nhân, thì những tiếng gọi thiêng liêng “Tổ quốc”, “Đồng bào” là ngọn lửa giục giã toàn dân đổi mới và sáng tạo không mệt mỏi.
Các phẩm chất ưu việt của dân tộc chúng ta nẩy nở từ thưở Hùng Vương, hun đúc trong mồ hôi, nước mắt và máu thắm trải những nghìn năm đấy bão lũ và máu lửa chiến tranh giữ nước, là yêu nước, thương nòi, ngoan cường, bất khuất, sẻ chia và cố kết cộng đông, bền bỉ vô hạn độ và nhậy bén sáng tạo không mệt mỏi…là cả một kho báu vô cùng tận và đến lượt nó cũng có tính thiêng.
Đó là nguồn lực toàn dân, nguồn lực của mọi nguồn lực, cần được đánh thức cho trỗi dậy, cho dạt dào tuôn chảy. Đó là phép mầu, khởi từ mạch thiêng Tiên Tổ Hùng Vương, để chúng ta giữ vững chủ quyền và đưa đất nước từng bước đến đỉnh cao Dân giầu , nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng là cháu con giòng giống Lạc Hồng.
Thế Văn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo