Quốc tế

Giới ngoại giao châu Á: ASEAN sẽ im lặng về phán quyết của PCA

(DNVN)-Theo dự đoán của các nhà ngoại giao khu vực, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ không đưa ra tuyên bố chung về phán quyết của PCA bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông.

Theo tin từ AFP, các nhà ngoại giao khu vực hôm 14/7 cho biết, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ không đưa ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông, bởi ASEAN đối mặt với sức ép từ Bắc Kinh.

AFP dẫn lời các nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết, ASEAN đã cân nhắc việc có nên lên tiếng về phán quyết của PCA đưa ra hôm 12/7 hay không.

Tuy nhiên, họ nhận định rằng, ASEAN – khối gồm 10 quốc gia thành viên – không thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề rất nhạy cảm này trong khi liên quan đến quốc gia láng giềng “khổng lồ” của mình.

Một số nhà ngọa giao châu Á nhận định, ASEAN sẽ im lặng về phán quyết của PCA (Ảnh AFP)

“Các quan chức ASEAN đã chuẩn bị một bản dự thảo, tuy nhiên không có sự nhất trí nào trong việc đưa ra một tuyên bố chung”, một nhà ngoại gia Đông Nam Á tiết lộ.
Nguồn tin cho biết thêm, Trung Quốc được cho là đã dựa vào các nước đồng minh trong khối ASEAN là Lào và Campuchia để ngăn cản việc đưa ra bất kỳ tuyên bố nào.

“Một số quốc gia ASEAN chắc chắn không vui. Hành động của Bắc Kinh có thể được coi như là sự can thiệp vào vai trò trung tâm của ASEAN”, nguồn tin cho hay.

Trong khi đó, một nhà ngoại giao cấp cao khác tại Đông Nam Á cho biết, Trung Quốc “đã thành công trong việc chia tách ASEAN thông qua các nước đồng minh của họ về vấn đề Biển Đông”, ám chỉ tới Lào và Campuchia.

Reuters đưa tin, trong khi Phlippines và Việt Nam chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc, thì Lào và Campuchia được cho là ngả về phía Bắc  Kinh.

Hồi cuối tháng 5, Thủ tướng Lào kêu gọi sử dụng “đối thoại song phương” để giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông.

 

Phát biểu của ông Thongloun đặc biệt quan trọng tại thời điểm này vì Lào hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN. Hơn nữa, phát ngôn này giống hệt với những quan điểm của Trung Quốc, nước liên tục lôi kéo các bên có tranh chấp tại Biển Đông đối thoại song phương với nước này để giải quyết vấn đề.

Cuối tháng 6, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định không ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực và phản đối mọi tuyên bố của ASEAN ủng hộ quyết định của tòa.

Để đáp lại sự bành trướng của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đã yêu cầu các nước trong khối ASEAN có những tuyên bố thống nhất với nhau về vấn đề Biển Đông.

Với việc Bắc Kinh ngang nhiên vạch ra "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn", tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Phililippines đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài thường trực Quốc tế (PCA) có trụ sở ở La Hay, Hà Lan vào năm 2013.

Và hôm 12/7 vừa qua, PCA đã ra phán quyết rằng, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

 

Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn."

Nên đọc
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo