Giới thiệu mô hình sản xuất hiệu suất cao
Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ chức Xúc tiến Khoa học Nhật Bản (JSPS) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh (CBAS), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.
HPM là mô hình hướng tới lấy khách hàng làm trọng tâm, tạo sự linh hoạt trên từng dây chuyền sản xuất cũng như cho toàn bộ chuỗi cung ứng để vừa có thể cung cấp những sản phẩm có chất lượng cao, thiết kế phù hợp với các yêu cầu ngày càng khó tính của người tiêu dùng, nhưng đồng thời vẫn giữ cho chi phí ở mức thấp nhất có thể.
Với mục tiêu trên, mô hình sản xuất được thiết kế vận hành trên cơ sở phối hợp theo quy mô toàn cầu kết hợp với tận dụng nguồn lực của từng địa phương, xây dựng quan hệ đối tác liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm đáp ứng kịp thời được các nguồn lực khan hiếm. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể bứt phá lên trước các đối thủ cạnh tranh, giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường.
Mô hình sản xuất tiên tiến này đã được triển khai áp dụng trên nhiều quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Braxin, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Phần Lan, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ,... Mô hình sản xuất hiệu suất cao đã tập trung giúp các nhà sản xuất giải quyết 6 vấn đề lớn của hoạt động quản lý nhà máy, gồm: (1) chiến lược sản xuất, (2) TQM, (3) JIT, (4) nguồn nhân lực, (5) hệ thống thông tin, (6) quản lý công nghệ. Qua đó, mô hình từng bước giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giảm chi phí, rút ngắn thời gian tác nghiệp, nâng cao sự linh hoạt trong sản xuất; từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy, tạo vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh và so với mặt bằng chung của ngành.
Tại Việt Nam, lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 40% GDP vào năm 2010. Phát triển các ngành sản xuất và chế biến đã được xem như là động lực chính cho sự gia tăng giá trị xuất khẩu từ 14 tỷ USD năm 2000 lên 60 tỷ USD vào năm 2010. Giá trị tăng thêm (VA) của ngành công nghiệp tăng lên trong năm 2006 và năm 2007 với tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 10,2% và 9,7%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã bị giảm xuống còn 5,98% và 5,52% trong năm 2008 và 2009. Trong 10 năm qua, tỷ lệ giá trị tăng thêm trung bình khoảng 8,8%.
Xem xét tỷ lệ giá trị tăng thêm của doanh nghiệp trên tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (VA/GO), chúng ta thấy rằng nó đã được giảm xuống đáng kể từ 41,23% năm 2000 xuống 23,1% vào năm 2010. Điều này có nghĩa là, trong thời gian qua ngành công nghiệp Việt Nam đã tập trung mở rộng phạm vi hơn là phát triển các lĩnh vực sản xuất nhiều giá trị gia tăng.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-ĐHQGHN cho rằng: Để phát triển ngành công nghiệp và nền kinh tế quốc dân, chúng ta cần phải xem xét phát triển lĩnh vực sản xuất chế tạo nhằm tạo ra nhiều giá trị tăng thêm và hỗ trợ cho xuất khẩu, tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực sản xuất chế tạo tại Việt Nam hiện đang phải đối mặt với một số thách thức liên quan đến việc thiếu lao động có tay nghề cao, các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, năng lực R & D, và một số vấn đề quản trị doanh nghiệp
Từ góc độ quản trị kinh doanh, các nhà sản xuất Việt Nam đang phải trả lời các câu hỏi như sau:
- Mô hình quản trị và thực thanh quản trị nào phù hợp để có thể thực thi nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh?
- Làm thế nào để đối phó với việc đánh đổi giữa chất lượng, chi phí, giao hàng và tính linh hoạt?
- Làm thế nào để tích hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu và duy trì phát triển bền vững?
Những câu hỏi này đòi hỏi sự hợp tác giữa Chính phủ, các học giả và nhà nghiên cứu, các nhà quản trị công nghiệp để giải quyết những vấn đề nhằm nâng cao chất lượng và năng suất của lĩnh vực sản xuất.
Thông qua hội thảo này, các khái niệm và kỹ thuật được đề xuất bởi mô hình HPM sẽ được giới thiệu đến đại diện của các công ty sản xuất Việt Nam, chính là các tổ chức đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp để nâng cao đồng thời chất lượng, chi phí, giao hàng, và hiệu suất linh hoạt của các nhà sản xuất Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng