Giới trẻ đổ xô đi học dịch vụ mai táng
Mỗi năm tại Trung Quốc có khoảng 1.500 tân sinh viên đăng ký theo học ngành dịch vụ mai táng. Đây là nghề hấp dẫn và càng phổ biến vì đem lại thu nhập cao và đảm bảo việc làm ổn định cho học viên ngay khi ra trường.
Sinh viên Zeng Liangliang cho biết ban đầu em đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình khi nói với cha mẹ về kế hoạch theo học ngành dịch vụ chăm sóc người chết, dù nhà trường đã cam kết học viên có việc làm ngay sau khi ra trường.
Hiện Zeng đang cố gắng trau dồi nghiệp vụ để trở thành một nhân viên mai táng chuyên nghiệp. Nam sinh này cho biết mặc dù đây là công việc mang lại thu nhập cao và phổ biến ở nhiều nước nhưng nó không được tôn trọng ở Trung Quốc, bởi truyền thống cho rằng ma chay là chuyện nhạy cảm đem lại xui xẻo.
Mặc dù vậy Zeng và nhiều sinh viên khác vẫn tự tin và can đảm khẳng định mình, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại sự kỳ thị của xã hội. Nam sinh này cho biết nhờ sự "phù hộ" của những người quá cố và giúp đỡ từ phía gia đình họ mà xã hội đã bắt đầu tôn trọng công việc em đang làm.
"Lúc đầu bố tôi kiên quyết phản đối tôi chuyên tu vào công việc này. Ông không hiểu tại sao tôi lại chọn một nghề như thế nên không giúp đỡ gì cả. Nhưng chúng tôi là những người trẻ, chúng tôi nghĩ khác. Chúng tôi mong rằng qua những dịch vụ của mình, người quá cố sẽ được ở trong thế giới trang nghiêm hơn", cậu sinh viên 22 tuổi ở Gia Hưng , phía đông tỉnh Chiết Giang tâm sự trên trang Asiaone.
Những điều mê tín dị đoan xung quanh cái chết hiện vẫn được đề cao trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, chẳng hạn người ta rất kỵ nói đến số 4 vì nó phát âm giống như từ "chết" trong tiếng Trung. Còn những vấn đề liên quan đến chết chóc là điều cấm kỵ ở đất nước này.
Mặc dù vậy các công ty dịch vụ mai táng ở Trung Quốc lại rất phát triển và giàu có. Báo cáo thống kê quốc gia hàng năm cho thấy ngành công nghiệp dịch vụ mai táng đạt doanh thu 200 tỷ nhân dân tệ (31 tỷ USD) mỗi năm. Ngành này xếp hàng thứ 10 trong số các ngành công nghiệp có lợi nhuận cao nhất cả nước.
Hiện nay tại Trung Quốc có 4 trường cao đẳng kỹ thuật chuyên đào tạo và nghiên cứu về dịch vụ mai táng. Trong đó trường Cao đẳng Công tác xã hội Changsha ở tỉnh Hồ Nam đóng vai trò tiên phong trong việc chuẩn hóa ngành công nghiệp dịch vụ này vào năm 1995.
Theo thống kê của trường Changsha, mỗi năm toàn Trung Quốc có 1.500 tân sinh viên đăng ký học ngành này. Trung bình một sinh viên phải mất 3 năm để hoàn thành các khóa về dịch vụ mai táng. Riêng các học viên theo học các lớp kỹ năng chăm sóc thi hài cơ bản cũng được khuyến khích thực tập tại các nhà tang lễ trên toàn quốc vào những kỳ nghỉ.
Đại diện trường cũng cho biết, mức lương trung bình cho một sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành dịch vụ mai táng từ 4.000 đến 5.000 nhân dân tệ một tháng (tương đương 800 đến 1.000 USD). Nhà trường cũng tự tin đảm bảo rằng tất cả học viên ra trường đều có việc làm ngay lập tức và lâu dài.
Bản thân sinh viên Zeng Liangliang cho rằng, thông qua những kỹ năng được học như ướp xác, trang điểm cho người chết và tổ chức tang lễ, các nhân viên làm dịch vụ góp phần kiến tạo sự trang nghiêm và thái độ tôn trọng của mọi người dành cho người quá cố.
Nếu như trước đây dịch vụ chăm sóc thi hài chỉ đơn giản gồm: tắm rửa, trang điểm, thay quần áo và mai táng người chết thì bây giờ dịch vụ này còn có thêm việc trị liệu spa thi thể, massage thẩm mỹ. Dịch vụ này khá phổ biến ở Đài Loan và Nhật Bản. Tóm lại những người làm dịch vụ lo hậu sự luôn cố gắng làm sao cho diện mạo của người chết trông tươi tắn như lúc còn sống.
Tuy nhiên quá trình huấn luyện nhân viên làm dịch vụ mai táng không phải không gặp trở ngại. Một sinh viên tên Cui Wenchao cho biết trước đây em từng bị choáng khi lần đầu tiên chạm vào xác chết mặc dù tất cả các thao tác đều được thực hiện trên người nộm.
"Xác chết rất lạnh khi tôi chạm tay vào. Tôi không nghĩ nó lạnh như thế nên trước đó tôi chưa kịp chuẩn bị tinh thần. Đó không phải là cảm giác sợ hãi nhưng là một dạng cảm xúc khi mình nhận ra sự thật lúc người ta chết đi sẽ trở nên như thế", Cui nói.
Hy sinh vì nghề nghiệp như vậy nhưng những nhân viên làm dịch vụ chăm sóc người chết thường bị xã hội kỳ thị. Thậm chí nhiều nhân viên đã phải bỏ nghề vì không lấy được chồng hoặc vợ. Mặc dù biết còn lâu lắm mới được xã hội chấp nhận nhưng những người làm trong lĩnh vực này hy vọng rằng việc các bạn trẻ lựa chọn nghề dịch vụ hậu sự dần dần sẽ thay đổi tư duy của mọi người.
"Thông thường những người lớn tuổi nói rằng nghề này chỉ dành cho ai không lập gia đình, không có con và không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi hy vọng ngày càng có nhiều bạn trẻ chọn công việc này và chỉ cho mọi người thấy rằng nó chẳng có gì đáng sợ", Lin Leijie, một giảng viên người Đài Loan bày tỏ.
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo