Thị trường

Giống dâu tây lớn 'như thổi', trồng sau 5 tuần thu hoạch

Trồng dâu tây chỉ cần 5 tuần là thu hoạch lứa quả đầu tiên. Đó là 4 chậu trong vườn của Công ty Sinh học sạch Biofresh (khu du lịch hồ Than Thở, TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Ở Đà Lạt, thời vụ trồng dâu tây khoảng từ tháng 8 - 9, thu hoạch vào tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau.

Thu hoạch dâu tây Pháp trong vườn Biofresh.

Lớn nhanh như thổi

 

Tình cờ đưa đoàn khách bạn bè ở xa đến vườn dâu tây Pháp của Công ty Sinh học sạch Biofresh, chúng tôi được nhìn thấy 4 chậu dâu tây “vượt trội” giữa vườn dâu bình thường, nên đã tìm gặp chủ nhân - KS Nghiêm Văn Minh để tìm hiểu.

 

Theo KS Minh, ở Đà Lạt trước đây, nông dân thường hay sử dụng các giống dâu tây gieo từ hạt, nên từ khi xuống giống đến lúc ra hoa dài 6-7 tháng. Sau này, nhờ nhập các giống dâu tây mới từ nước ngoài về và trồng bằng cây giống nuôi cấy mô, nên thời gian ra hoa và kết trái của cây được rút ngắn xuống còn 3-4 tháng.

 

Như vậy, với các giống dâu mới được trồng bằng cây con nuôi cấy mô, từ lúc xuống cây giống đến khi thu hoạch lứa đầu tiên cũng kéo dài 4 - 5 tháng.

 

Ở Đà Lạt, thời vụ trồng dâu tây khoảng từ tháng 8 - 9, thu hoạch vào tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau. Gần đây, nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến, người Đà Lạt trồng và thu hoạch dâu tây quanh năm. Tuy nhiên, ở Đà Lạt - xứ sở chủ yếu của dâu tây (và có lẽ cả nước), chưa một ai trồng và thu hoạch loại cây trái này chỉ trong vòng 5 tuần như tại Công ty Sinh học sạch Biofresh.

 

4 chậu dâu tây chỉ mới hai tuần tuổi nhưng đã bắt đầu cho hoa và kết trái non. KS Minh nói thêm: “Những trái dâu non này chỉ cần khoảng 3 tuần nữa là chín và cho thu hoạch”. Như vậy, thời gian từ lúc xuống giống dâu này đến khi thu hoạch lứa đầu tiên chỉ có 5 tuần! Quả là một sự thật đến khó tin!

 

Kỹ thuật mới

 

Chúng tôi hỏi KS Minh: “Giống dâu này mới được anh nhập về từ Pháp?”. Anh Minh vừa lắc đầu và vừa cười vui: “Vẫn là giống dâu của Pháp có trong vườn. Tuy nhiên, tôi đang nghiên cứu một quy trình sản xuất mới để rút ngắn nhất thời gian sinh trưởng của cây một cách có thể.

 

Gần đây, tôi đã tìm cách để rút từ 3 tháng xuống còn 2 tháng hoặc 2,5 tháng. Nay, với 4 chậu cây giống thử nghiệm này, thời gian sinh trưởng chỉ còn 5 tuần - từ lúc xuống cây giống đến khi thu hoạch trái dâu đầu tiên”.

 

Anh Minh nói thêm, mặc dù “mang tiếng” là trồng dâu tây giống Pháp đã 4 năm, nhưng có thể nói 3 năm đầu coi như “vứt”, vì cứ phải chuyển đổi vườn liên tục. Chỉ mới đây, trong vòng 1 năm kể từ khi chuyển về khu vực hồ Than Thở này, anh đã có trong tay 2 ha dâu trồng ổn định. Vì vậy anh mới có thời gian để nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật canh tác một số giống cây nông nghiệp. Nhất là cây dâu tây và là giống dâu tây mới của Pháp, mà anh đã học từ khi còn ở bên Pháp.

 

Chúng tôi hỏi KS Nghiêm Văn Minh về “vấn đề cốt yếu” của kỹ thuật mới mà anh đang thử nghiệm là gì. Tuy nhiên, anh chỉ lắc đầu và cười: “Đang trong vòng bí mật mà! Rồi đây, tôi sẽ công bố, nhưng không phải là lúc này!”.

 

Có lẽ dâu tây từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ 5 tuần là câu chuyện duy nhất ở Việt Nam mà Công ty Sinh học sạch Biofresh của Lâm Đồng đang “sở hữu”!.

 

 KS Nghiêm Văn Minh cũng cho chúng tôi biết, nếu quy trình canh tác dâu tây theo kỹ thuật rất mới mà mình đang nghiên cứu thành công mỹ mãn, thì anh không ngần ngại chuyển giao cho nông dân Lâm Đồng!.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo