Thị trường

Giữ ổn định giá xăng, giảm giá dầu

Liên Bộ Tài chính – Công thương yêu cầu doanh nghiệp đầu mối sử dụng Quỹ BOG thêm 170 đồng/lít để ổn định giá xăng, đồng thời giảm giá bán dầu, chậm nhất vào 5 giờ chiều nay.

Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu thế giới từ sau ngày điều hành 7/7/2014 tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao.

Giá xăng, dầu thành phẩm thế giới bình quân 30 ngày từ ngày 18/6/2014 đến 17/7/2014, cụ thể: xăng RON 92: 122,929 USD/thùng; dầu điêzen 0,05S: 121,063 USD/thùng; dầu hỏa: 120,860 USD/thùng, dầu madut 180 cst 3,5S: 611,354 USD/tấn.

Căn cứ nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Thông tư số 234/2009/TT-BTC thì chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu cụ thể như sau:

Mặt hàng

Giá bán hiện hành

Giá cơ sở theo đúng quy định

Chênh lệch giữa giá bán hiện hành với giá cơ sở theo đúng quy định

(1)

(2)

(3) = (2) – (1)

1. Xăng RON 92

25.640

26.314

- 674

2. Dầu điêzen 0,05S

22.820

22.680

+ 140

3. Dầu hỏa

22.950

22.814

+ 136

4. Dầu madút 180CST 3,5S

18.690

18.816

- 126

 
Ghi chú: (+) giá hiện hành cao hơn giá cơ sở; (-) giá hiện hành thấp hơn giá cơ sở; giá bán hiện hành lấy theo giá bán hiện hành của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam.
 
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp như hiện nay, căn cứ tình hình kinh tế xã hội trong nước và bình quân 30 ngày tính giá cơ sở của giá xăng dầu thế giới; Liên Bộ Tài chính - Công Thương thông báo điều hành giá xăng dầu trong nước như sau:
 
Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu trong nước: Việc điều hành giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, thực hiện quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP; điều hành giá xăng dầu trong nước theo xu hướng giá xăng, dầu thị trường thế giới tùy từng chủng loại xăng, dầu và chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.
 
Phương án điều hành cụ thể: Trong bối cảnh giá xăng thế giới có xu hướng giảm nhưng diễn biến phức tạp; bình quân 30 ngày vẫn ở mức cao, để đảm bảo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước; đồng thời để góp phần bình ổn giá, việc điều hành giá xăng dầu trong nước thực hiện hài hòa giữa việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều chỉnh giảm giá bán lẻ phù hợp với mặt bằng giá cơ sở theo chu kỳ tính giá.
 
Đối với xăng: Giá bán hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ BOG 500 đồng/lít) vẫn thấp hơn giá cơ sở theo quy định (tham chiếu giá bán lẻ hiện hành của Petrolimex thì mức chênh lệch là 174 đồng/lít). Tuy nhiên, để góp phần bình ổn giá, Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá xăng; đồng thời được sử dụng Quỹ BOG thêm 170 đồng/lít (từ 500 đồng/lít như hiện hành lên 670 đồng/lít).
 
Đối với dầu điêzen 0,05S và dầu hỏa: Giá bán hiện hành của các mặt hàng này cao hơn giá cơ sở. Vì vậy, Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá bán tối thiểu tương ứng với mức chênh lệch; giá bán sau khi điều chỉnh không cao hơn giá cơ sở theo quy định (dầu điêzen 0,05S: 22.680 đồng/lít; dầu hỏa: 22.814 đồng/lít).
 
Đối với dầu madút: Giá bán hiện hành của mặt hàng dầu madut (đã bao gồm mức sử dụng quỹ BOG) cao hơn giá cơ sở theo quy định. Tuy nhiên, để góp phần bình ổn giá, các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng Quỹ BOG như hiện hành (300 đồng/kg) và giảm giá tối thiểu tương ứng với mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán (sau khi sử dụng Quỹ BOG).
 
Nếu tham chiếu theo giá hiện hành của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, thì mức giảm tối thiểu đối với dầu điêzen 0,05S là 140 đồng/lít; dầu hỏa: 136 đồng/lít và dầu madút là 174 đồng/kg).
 
Liên Bộ Tài chính – Công thương yêu cầu, sử dụng Quỹ Bình ổn giá từ 17h ngày 18/7/2014.
 
Đối với điều chỉnh giảm giá bán các loại dầu, do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối quy định nhưng không muộn hơn 17h ngày 18/7/2014. 
Nguyễn Hoàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo