Giường bệnh đặc biệt của hai mẹ con cùng mắc bệnh ung thư
Tại phòng bệnh 615, Viện huyết học truyền máu Trung ương (Hà Nội), hoàn cảnh hai mẹ con bé Nguyễn Phạm Bảo Ngọc (xóm 4, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, Nghệ An) khiến tất cả mọi người trong Viện đều lo lắng về bệnh tình của bé và ái ngại trước hoàn cảnh vô cùng đặc biệt của gia đình bé.
Trước khi bước vào phòng bệnh, chúng tôi cứ nghĩ đến không khí u ám, sự buồn bã và mất hi vọng trên khuôn mặt của hai mẹ con. Nhưng vừa bước vào phòng bệnh chúng tôi rất bất ngờ khi thấy nụ cười rất tự nhiên và bình thản của hai bệnh nhân đặc biệt này, dường như, bệnh tật không hề khiến họ suy sụp, gục ngã. Trên giường bệnh, bé Ngọc đang đùa nghịch. Chốc chốc bé lại sà vào lòng mẹ cười cười nói nói, rồi lại chạy sang giường bên cạnh chơi với các bạn. Tiếng cười rôm rả khiến cả phòng bệnh đều hướng mắt về cô bé.
Bé Ngọc năm nay đã được 6 tuổi, là con thứ 2 của vợ chồng anh Nguyễn Xuân Ngọ, chị Phạm Thị Thu Hà (35 tuổi). Ngọc sinh ra và lớn lên bình thường như bao bạn cùng trang lứa. “Ở nhà cháu ngoan lắm, cũng ít khi ốm đau gì. Ở quê, cháu đang giữ chức lớp trưởng của lớp mẫu giáo lớn. Trong quá trình đi học, cháu còn hay được đi biểu diễn văn nghệ…”- chị Hà chia sẻ về bé Ngọc không giấu nổi niềm tự hào.
Nhưng rồi dòng cảm xúc đó bỗng chốc biến mất, nét mặt chị buồn hơn và ánh mắt chất chứa bao suy tư. Chị kể, sau một cơn sốt li bì kéo dài cộng với những dấu hiệu đau và tím bầm ở chân tay, chị đã đưa con ra viện khám thì biết tin con mắc bệnh ung thư máu. Nghe đến đó, chị đã ngất ngay ở Viện.
“Đau đớn lắm chú ạ vì đứa con dứt ruột đẻ ra lại mang án tử treo lơ lửng trên đầu, hôm nay nó cười với mình đấy nhưng ngày mai biết nó còn sống để cười với mình được hay không…”- lời chia sẻ của chị Hà chất chứa bao xót xa.
Và rồi, điều chẳng ai ngờ lại xảy ra khi căn bệnh quái ác lại tìm đến chị. Chị tâm sự, trong thời gian đi chăm con ở Viện huyết học thì thấy ở trên cổ xuất hiện hạch và đau nhức. Chị đã sang bệnh viện K để mổ và làm các xét nghiệm. “Kết quả trả về tôi mới biết mình cũng bị ung thư. Trời đất lúc này như đổ sụp trước mặt. Lúc đó, tôi đau đớn nghĩ sao ông trời nỡ đày đọa gia đình tôi thế này” – chị Hà buồn bã chia sẻ.
Tết Nguyên đán vừa qua, hai vợ chồng chị Hà cùng cháu Ngọc đã phải đón tết trong Viện. “Cháu Ngọc cứ đòi về và kêu nhớ ông bà, nhớ chị. Vợ chồng tôi thương cháu mà không dám khóc, cứ cố gắng cười và động viên cháu chữa bệnh nhanh để về còn đi vào học lớp 1 nữa. Thế là cháu mải chơi rồi không đòi về nữa.” – anh Ngọ - bố cháu Ngọc kể.
Hai vợ chồng chị Hà làm nghề giáo được hơn chục năm nay. Vì bệnh tật của vợ con, anh Ngọ cũng đã phải nghỉ dạy học hoàn toàn để chuyên tâm vào chăm sóc gia đình. Phải nằm trên giường bệnh, xa trường lớp, chị Hà không giấu được cảm xúc: “Tôi rất nhớ học sinh ở nhà, nhớ các đồng nghiệp, mái trường tôi đã gắn bó bao nhiêu năm qua. Mặc dù rất buồn, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng vui vẻ để cho cháu Ngọc được vui vẻ chữa trị. Điều tôi mong muốn nhất lúc này là cháu sẽ được mạnh khỏe trở lại”.
Trước kia gia đình chị Hà cũng thuộc loại khá giả vì đều có lương. Trong mái nhà hạnh phúc đó, anh còn có một cụ và hai ông bà ở cùng. Cuộc sống hàng ngày trôi đi trong niềm vui và sự lớn khôn của các con cái. Vậy mà rồi cũng có lúc gia đình chị phải lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa, sống nay không biết đến ngày mai. “Mỗi đợt truyền hóa chất của cháu Ngọc mất 30 - 40 triệu đồng, chi phí truyền hóa chất của chị ít hơn nhưng lại phải mất tiền mua thuốc ở ngoài nhiều. Chỗ nào vay mượn được anh chị cũng đi vay hết rồi chú ạ, hiện tại anh không có thu nhập gì cả vì xin nghỉ dạy hoàn toàn để lên chăm con, chăm vợ… Nghĩ đến lúc này chị thấy cực lắm”. – chị Hà tâm sự.
Chia tay gia đình “đặc biệt” chúng tôi như bị ám ảnh bởi nụ cười tươi, hồn nhiên của bé Ngọc. Bé chưa biết mình đang phải chống chọi lại căn bệnh ung thư. Nghe tiếng vọng của cô y tá phát thuốc ngoài cửa, bé Ngọc chạy vội ra lấy hai lọ truyền dịch ôm vào lòng và cười thật tươi.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang, người trực tiếp điều trị cho bé Ngọc tại khoa Nhi, Viện huyết học và truyền máu TW chia sẻ: “Trường hợp của hai mẹ con bé Ngọc đặc biệt.
Từ trước đến giờ ở khoa này chưa có một trường hợp nào lại bi đát như nhà bé Ngọc khi mà mẹ đi chăm con ung thư lại phát hiện bản thân mình cũng mắc căn bệnh này. Nhìn hai mẹ con cùng là bệnh nhân, nằm chung 1 giường… khiến chúng tôi cảm thấy rất đau đớn”.
Theo bác sĩ Giang cho hay, bé Ngọc được chẩn đoán bị ung thư máu cấp tính (Lơ xê mi cấp thể L2) và đang điều trị hóa chất. Cháu phải trải qua 4 đợt truyền hóa chất (mỗi đợt kéo dài 2 tháng) và tiếp tục theo dõi từng tháng trong 2 năm liên tiếp.
Trường hợp chị Hà, mẹ của bé Ngọc được chuyển từ bệnh viện K về. Chị Hà bị căn bệnh ung thư hạch Ulymplo Hodgkin, một thể của bệnh ung máu. Chị Hà cũng đang được truyền hóa chất, mỗi đợt truyền hóa chất của chị kéo dài trong 20 ngày. Hiện nay, hai bệnh nhân này đều có bảo hiểm y tế, tuy nhiên trong số các loại hóa chất mà mẹ của bé Ngọc phải truyền có loại phải mua ở ngoài vì không nằm trong danh mục bảo hiểm, vì thế chi phí cũng rất tốn kém.
End of content
Không có tin nào tiếp theo