Giúp dân nghèo miền Trung an toàn khi sống trong vùng bão lũ
“Nhất thủy, nhì hỏa” - hằng năm, khi bão lũ tràn về, “giặc nước” đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân nhiều khu vực miền Trung khi để lại hậu quả nặng nề cả về người và tài sản.
Sau thí điểm thành công về hỗ trợ cho 700 hộ dân nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 48/2014/QĐ-TTg.
Theo quyết định, có khoảng 40.000 hộ nghèo của 14 tỉnh khu vực miền Trung - nơi bị ảnh hưởng của bão, lũ sẽ có nhà ở an toàn, ổn định để yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo.
An toàn khi sống chung với lũ
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định, khu vực duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, lụt.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thiên tai xảy ra với tần suất dày hơn, cường độ mạnh hơn, với diễn biến khó lường, không theo quy luật.
Bão, lũ khu vực miền Trung trong những năm qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân, đồng thời gây trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, công sức lao động, tiết kiệm để kiến thiết, xây dựng nhà ở của người dân trong nhiều năm có thể bị tiêu hủy hoặc hư hỏng nặng chỉ sau một trận lũ.
Hằng năm, Nhà nước và chính quyền địa phương đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của để thực hiện cứu trợ cho người dân bị thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra với kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Quyết định 48 hỗ trợ nhà ở chống bão, lũ cho hộ nghèo miền Trung là nhân rộng mô hình, kết quả của chương trình thí điểm 716 của Chính phủ từ năm 2012 về giải pháp nâng cao sàn nhà ở cho người dân, với phương châm "sống chung với lũ, lụt" áp dụng tại 7 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Qua kiểm nghiệm thực tế của mùa mưa lũ vừa qua tại 700 hộ thí điểm này cho thấy người dân đã có nhà ở an toàn trong mùa bão lũ, an tâm sinh sống và lao động sản xuất, đặc biệt không bị thiệt hại về người và của.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam - ông Đinh Văn Thu chia sẻ Quảng Nam có 22.000 hộ nghèo và hiện có trên 3.000 hộ dân có nhà ngập lũ trên 1,5m được đưa vào chương trình của Quyết định 48. Tại miền Trung, mưa lũ đều có hai mặt. Khi lũ dâng lên và rút đi, một lượng phù sa lớn bồi đắp làm cho đất phì nhiêu hơn và cũng cuốn trôi các loại côn trung và động vật nguy hại cho cây như sâu bệnh, chuột...
Có những năm hạn hán, mưa ít, lũ không về thì dân địa phương cũng phải đối phó với nạn chuột. Tuy nhiên, nếu bão lũ quá lớn thì thiệt hại về tài sản và con người nặng nề cũng rất nặng nề.
Bởi vậy, người miền Trung luôn đón lũ trong thắc thỏm lo âu. Với mô hình nhà vượt lũ, các hộ dân có thể xây gác vượt mức nước dâng cao khi có lũ để được an toàn ngay tại “rốn lũ” - đó cũng chính là mong ước bấy lâu.
Do đó, mục tiêu đặt ra cho chương trình này là phải vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, những phần việc này không thể giải quyết ngay trong thời gian ngắn hạn bởi đòi hỏi nguồn lực kinh tế lớn, đồng thời còn phải phù hợp với phong tục tập quán và thói quen của người dân.
Vì vậy cần tìm giải pháp để người dân vẫn sống tại chỗ, chống lũ tại chỗ nhưng phải được đảm bảo an toàn cả về tính mạng và tài sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
40.000 dân nghèo miền Trung được hưởng lợi
Theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg, Chính phủ sẽ triển khai hỗ trợ cho khoảng 40 nghìn hộ nghèo của 14 tỉnh khu vực miền Trung bị ảnh hưởng của lũ, lụt có nhà ở an toàn, ổn định để yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ.
Đặc biệt, chính sách hộ trợ này được ưu tiên đối với những hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, với phương châm huy động từ nhiều nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và người dân như vậy, thông qua việc triển khai thực hiện Chính sách sẽ khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc người nghèo, giúp đỡ người có công, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tình cảm gắn bó, đoàn kết anh em, dòng họ, “tình làng, nghĩa xóm” trong cộng đồng dân cư và tình đoàn kết quân- dân. Việc vận động, hướng dẫn người nghèo tích cực tham gia cùng Nhà nước và cộng đồng trong việc xây dựng nhà ở còn tạo cho họ có sự chủ động, tự tin để vươn lên thoát nghèo và từng bước có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Ngoài khoản tiền được hỗ trợ và vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hộ gia đình có thể huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng để xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt để đảm bảo được quy mô và chất lượng theo quy định. Chính sách trên sẽ được thực hiện trong 3 năm (từ năm 2014-2016). Năm 2014 thực hiện hỗ trợ khoảng 20% số đối tượng; năm 2015 thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng; năm 2016 thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng.
Nhằm khẩn trương triển khai thực hiện chương trình, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị lãnh đạo các địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo giảm nghèo của địa phương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng; thiết kế mẫu nhà phòng tránh bão, lụt phù hợp với điều kiện của từng vùng, tập quán sinh hoạt của người dân; tổ chức tập huấn chính sách đến từng thôn, xã thuộc vùng được thụ hưởng chính sách.
Các bộ, ngành Trung ương cũng phối hợp chặt chẽ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.
Ông Trần Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Việt Nam nhận xét, đây là chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc.
Là đơn vị được giao giải ngân gói tín dụng liên quan đến chương trình này, ông Lý cho biết chương trình cho người nghèo vay để sửa chữa nhà tại Ngân hàng chính sách đều được giải ngân nhanh và thu hồi nợ tốt. Quyết định 48 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/10.
Bởi vậy, để triển khai thực hiện theo lộ trình đề ra, ông Trần Văn Dinh, Vụ Ngân sách Nhà nước Bộ Tài chính cho biết bộ này khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn các địa phương thực hiện và một số vấn liên quan như tiêu chí bình xét đối tượng, lập dự án…
Dự toán cũng sẽ được phân bổ cho các tỉnh để cân đối nguồn bố trí xuống huyện, xã và được thực hiện tại Kho bạc nhà nước. Nguồn vốn triển khai được bố trí từ nguồn đầu tư xây dựng cơ bản.
Như vậy, giấc mơ của người nghèo miền Trung về những căn nhà chống chọi cùng bão lũ sẽ sớm thành hiện thực thông qua việc thực hiện chính sách từ Quyết định 48./.
Theo VietnamPlus
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo