Giúp việc gia đình: Có luật, vẫn mong manh pháp lý
Chị Nguyễn Thị Lý (Thanh Hóa) đang giúp việc cho một gia đình tại khu Mỹ Đình 1, Hà Nội chia sẻ: Chị làm nghề này đã được 7 năm. Suốt khoảng thời gian đó, chị đổi đến 5 gia đình mà không hề có một hợp đồng lao động trong tay. Nguyên nhân thì có nhiều. Khi thì gia đình chủ không còn nhu cầu thuê. Khi thì chị thấy ở với họ không hợp nên cũng phải đổi.
Theo chị, không cần ký hợp đồng thì tiền lương hay việc nghỉ ngơi của người giúp việc gia đình, chị vẫn được thực hiện như thỏa thuận của hai bên. Câu trả lời của chị Lý cũng là câu trả lời thường thấy ở những người làm giúp việc gia đình và người sử dụng loại hình lao động này tại các thành phố lớn hiện nay. Họ thường “tặc lưỡi” bỏ qua hợp đồng lao động, đồng thời bỏ quên những quyền lợi thiết thực cho chính bản thân mình.
Về phía người sử dụng lao động thì cho rằng, hiện nay đa số người giúp việc từ nông thôn lên thành thị nên họ chưa quen với cách sinh hoạt của người thành phố. Họ làm, nhưng nếu có xích mích với chủ nhà thì nhiều người sẽ xin nghỉ hoặc tự ý nghỉ. Ngoài ra, người giúp việc trộm cắp tài sản, chểnh mảng trong công việc, gian dối, hay thường xuyên nhảy việc, hoặc biết điểm yếu của gia chủ rất cần người nên đòi tăng lương vô cớ cũng không phải là những trường hợp hiếm gặp.
Theo ước tính, cả nước có khoảng 150.000 người giúp việc gia đình, vì vậy theo TS. Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, hiện có hai thách thức lớn của nghề giúp việc gia đình: Thứ nhất là chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện 5 điều mới (từ Điều 179 đến Điều 183 Bộ Luật Lao động) có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Thứ hai, là lao động giúp việc gia đình cũng chưa được công nhận là một nghề chính thức trong danh mục nghề quốc gia.
Để giải được bài toán này, vấn đề chính là vận động xã hội coi đây là một nghề thực sự; đồng thời cần bộ công cụ để xây dựng, quản lý, đào tạo và truyền thông nâng cao nhận thức của cả 3 đối tượng: Người sử dụng lao động, trung tâm giới thiệu việc làm và người giúp việc gia đình. Quy định bắt buộc chủ sử dụng và người giúp việc phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản trong Bộ luật Lao động nhằm bảo vệ quyền lợi của cả hai bên cũng cần được coi trọng, tránh những việc tranh chấp không đáng có. Nhưng xem ra, để có hợp đồng lao động, e rằng còn khá xa....
Theo SKĐS
End of content
Không có tin nào tiếp theo