Gỡ khó cho Nông Lâm Thủy sản: Vẫn chỉ là lắng nghe
Đã có rất nhiều cuộc họp bàn để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho XK nhóm hàng nông lâm thủy sản được các bộ, ngành tổ chức để lắng nghe phản hồi của DN. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào được đưa ra để gỡ khó cho ngành hàng này.
Kim ngạch giảm sâu
Tại buổi họp do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4-5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận xét, XK nông lâm thủy sản trong những tháng đầu năm 2015 có diễn biến bất thường, mục tiêu XK không đạt.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, kim ngạch XK cả nước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhóm hàng nông lâm thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng có kim ngạch XK lớn như thủy sản, gạo, cà phê… đều giảm so với cùng kỳ.
Là một trong những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam, gạo đang gặp khó khăn về vấn đề giá tiêu thụ giảm sâu và đầu ra khó khăn. Khối lượng XK gạo trong 4 tháng ước đạt 2,04 triệu tấn, giảm 0,5% về lượng và 5% về giá trị. Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, trong 1 triệu tấn gạo tạm trữ, có đến trên 50% lượng gạo là mặt hàng gạo trắng thông thường, thế nhưng đây lại đang là mặt hàng tiêu thụ khó khăn.
Cụ thể, thị trường châu Phi, trong khi nước này NK gạo thơm của Việt Nam tăng tới 27% thì mặt hàng gạo trắng lại rất ít. Trước đó, gạo trắng là mặt hàng thị trường châu Phi có sức tiêu thụ lớn, khoảng 14 triệu tấn/năm. Nguyên nhân là do chất lượng gạo trắng Việt Nam không được người dân châu Phi ưa thích, trong khi mặt hàng này của Thái Lan giá rẻ và chất lượng đảm bảo hơn. “Nếu Việt Nam không cải thiện chất lượng gạo trắng thì sản lượng XK sẽ còn tiếp tục giảm”, ông Năng nhận định.
Ở một số thị trường tập trung của Việt Nam như Philippines, Malaysia, nhu cầu NK gạo vẫn có nhưng Việt Nam muốn có thêm hợp đồng sẽ phải cạnh tranh về giá và tăng tính chuyên nghiệp về cung ứng để giữ được thị trường.
Cùng chung xu thế trên, kim ngạch XK thủy sản trong 4 tháng cũng giảm đáng kể, 15% so với cùng kỳ, ước đạt 1,9 tỷ USD. Ở hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh như Hoa Kỳ giảm 33,8%, Nhật Bản giảm 15,1%, Hàn Quốc giảm 5,2%...
Một trong những khó khăn đối với XK thủy sản theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) là do diễn biến tỷ giá đang gây bất lợi cho XK thủy sản. Cho đến nay, trên 90% hợp đồng XNK của thủy sản đều sử dụng đồng USD để thanh toán nhưng đầu năm 2015, do tỷ giá đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác như EURO, Yên nên XK thủy sản gặp khó khi các nhà NK liên tục đề nghị đàm phán để giảm giá, trong khi giá thành sản xuất trong nước và NK nguyên liệu không giảm.
Mấu chốt vẫn là xúc tiến thương mại
Một trong những biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho nhóm hàng nông lâm thủy sản được nhiều Hiệp hội, ngành hàng kiến nghị là thay đổi cách thức xúc tiến thương mại.
Theo ông Nam, kinh phí xúc tiến thương mại đối với nhóm hàng thủy sản đang ngày càng co hẹp. Trong khi nhìn ra các quốc gia đang cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan đang có sự thay đổi liên tục, quy mô ngày càng to hơn. “Ngoài kiến nghị tăng tiền hỗ trợ xúc tiến thương mại, cần tập trung vào cách làm hơn là sự dàn trải như hiện nay”, ông Nam nói và nêu dẫn chứng, nếu có 1 gian hàng trưng bày hình ảnh thì hiệu quả thấp; nhưng nếu thay đổi cách làm, hình ảnh và thông điệp thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt và không bị lép vế. Kinh nghiệm này có được khi các DN thủy sản tham gia hội chợ quốc tế thủy sản.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Ánh, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, chương trình xúc tiến thương mại phải đổi mới cả về hình thức và nội dung. Ví dụ như thị trường Nga, các bộ, ngành đều nói đẩy mạnh XK vào thị trường Nga nhưng chương trình xúc tiến thương mại của mặt hàng rau quả vào thị trường này bị cắt. “Xúc tiến thương mại không phải ra chợ là bán được hàng ngay, nên duy trì để giữ thị trường”, ông Ánh nói.
Ở một khía cạnh khác, một số ý kiến nhấn mạnh đến vai trò của Tham tán thương mại ở nước ngoài. Theo vị đại diện của VASEP, dù có hệ thống mạng lưới Tham tán thương mại nhưng nhiều vấn đề thị trường xảy ra vẫn xử lý thụ động. “Mỗi tuần, VASEP đều có bản báo cáo cập nhật 32 trang cung cấp thông tin cho các Tham tán thương mại, nhưng sự phản hồi nhận được từ các Tham tán là rất ít”, ông Nam dẫn chứng.
Chia sẻ về ý kiến này, ông Trần Tuấn Anh cũng đồng tình về việc năng lực của các Tham tán thương mại còn hạn chế. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ có chỉ đạo thương vụ và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ DN, hỗ trợ phát triển thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm của Việt Nam; chủ động phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng để chia sẻ thông tin, giúp DN hoạch định chính sách và chiến lược kinh doanh. Với nguồn kinh phí xúc tiến thương mại hàng năm chỉ khoảng 100 tỷ đồng, theo vị đại diện của Bộ Công Thương, muốn sử dụng hiệu quả đúng là phải tính toán lại. “Cả thế giới thay đổi mà Việt Nam lại bị “bó” bởi một số quy định hành chính của các bộ, ngành thì cũng phải xem xét lại”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương:
Trên cơ sở các ý kiến của hiệp hội, ngành hàng, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ ban hành 1 chỉ thị của Bộ hoặc của Chính phủ hỗ trợ DN phát triển thị trường XK, tăng cường hơn nữa tính trách nhiệm, sự chủ động năng động của các bộ ngành và sự phối hợp của các bộ, ngành với nhau. Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ thành lập 1 tổ công tác trực tiếp tham gia xử lý kịp thời những vướng mắc, tồn đọng trong thực hiện XNK; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với DN, hiệp hội để nắm bắt kịp thời các yêu cầu của DN và yêu cầu của thị trường để có các đối sách phù hợp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ NN&PTNT sơ kết đánh giá về XK các mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn lưu thông với sản xuất, tính toán kỹ hơn để ổn định thị trường, tiêu thụ hết hàng hóa của nông dân, đặc biệt những mặt hàng mang tính thời vụ như rau quả và trái cây.
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT:
Thị trường Trung Quốc có tác động lớn đến mặt hàng nông lâm thủy sản, không dưới 50% kim ngạch (cả chính ngạch và tiểu ngạch), nhưng từ đầu năm tới nay thị trường này lúc dừng, lúc đóng nên ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch XK mặt hàng này của Việt Nam. Do vậy, cần giải pháp để củng cố và đẩy mạnh giữ thị trường này, tránh sự phập phù như vừa qua.
Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo và quyết tâm giảm 50% thủ tục XNK (thủ tục kiểm dịch thực vật, thú ý) cho DN. Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối đang phối hợp với Tổng cục Hải quan xây dựng mã HS để thuận lợi hơn cho DN trong việc làm thủ tục XK.
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam:
Cách tiếp cận thị trường trong thời gian tới cũng phải cải tiến. Bộ Công Thương cần tổ chức các đoàn đi xúc tiến ở cấp bộ và hiệp hội, phối hợp với các nước XK nông sản, trong đó có cà phê để làm sao đẩy giá cà phê lên. Như trong lĩnh vực cà phê chúng ta phải kết hợp với Brazil – nước có kinh nghiệm về mặt hàng này.
Ngoài ra, cần giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết để gỡ khó khăn cho DN, trong bối cảnh kim ngạch XK nông sản đang giảm sút. Đơn cử, giảm thủ tục trong kiểm dịch hàng hóa. Cà phê có những nước không yêu cầu kiểm dịch thì mình cũng không nên áp để tăng phí, thủ tục phiền hà cho DN.
Theo HQ Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo