Gỡ rối cho nhà đầu tư nước ngoài
Việc bổ sung một số thủ tục theo đề xuất của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ rất có thể sẽ gây ra phản ứng tiêu cực từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Thêm quy định…
Nếu so với quy định hiện hành, dự thảo đã thêm yêu cầu và thủ tục về việc thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam. Có nghĩa là, một loạt thủ tục mới mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tuân thủ để tiến hành hoạt động đầu tư này có thể sẽ bị cho là không phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đảm bảo các điều kiện về lĩnh vực và phạm vi hoạt động đầu tư; điều kiện về hình thức đầu tư; điều kiện về tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài; điều kiện về đối tác Việt Nam tham gia liên doanh; điều kiện về vốn pháp định và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đặc biệt, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam được quy định theo hướng áp dụng yêu cầu thẩm tra điều kiện đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp. Các quy định về chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng dự án đầu tư cũng được thiết kế lại một cách chặt chẽ hơn.
Đáng chú ý, doanh nghiệp nhận vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cũng được yêu cầu phải giải trình việc đáp ứng các điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài sau khi nhận vốn góp, bán cổ phần, thay vì trông chờ toàn bộ vào quyết định của các cơ quan quản lý như trước đây.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại những vướng mắc lâu nay trong hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, có thể thấy việc quy định rõ các thủ tục, cho dù là bổ sung thêm sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng chờ xin ý kiến cấp trên của các cơ quan đăng ký kinh doanh, đầu tư khi tiếp nhận các hồ sơ này.
… sẽ bớt phiền hà?
Theo phân tích của Luật sư Lê Nga, Công ty Luật Hà Việt, thì hướng dẫn cụ thể thực hiện các thủ tục việc góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg ngày 18/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ vẫn nặng tính hình thức và điều quan trọng nhất mà các nhà đầu tư muốn được hướng dẫn chi tiết là các điều kiện ràng buộc và thủ tục để thực hiện thì lại chưa có.
"Có một thực tế rằng, có những doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, bán toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế bởi bất kỳ hành lang pháp lý nào (ngoài những doanh nghiệp hoặc ngành nghề pháp luật quy định hạn chế), trong khi có những hồ sơ bị treo rất lâu để chờ các ý kiến của các cơ quan cấp trên" - luật sư Lê Nga cho biết.
Việc quy định rõ các thủ tục, cho dù là bổ sung thêm, sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng chờ "xin ý kiến cấp trên" |
Hơn thế, bản thân các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư ở các địa phương cũng luôn trong tình thế phân vân trong việc tư vấn cho nhà đầu tư và thực hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong các thủ tục này như thế nào.
Thời gian qua, tình trạng cùng trường hợp tương tự, có địa phương quyết ngay, trong khi nhiều phòng đăng ký kinh doanh và cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư buộc phải áp dụng cách thức tạm ngừng xem xét để chờ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cách làm này không chỉ gây mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp mà đáng tiếc là gây ra những sự khác biệt lớn trong thực thi pháp luật ở các địa phương, gây nên hình ảnh "bất nhất" cho môi trường kinh doanh Việt Nam.
Hơn thế, cũng phải nhìn nhận từ góc độ quản lý nhà nước, việc quy định rõ trình tự, thủ tục pháp lý khi tiến hành hoạt động này sẽ giải quyết dứt điểm sự không thống nhất trong quyết định của các cơ quan có liên quan. Nhất là với trường hợp doanh nghiệp nhận vốn góp, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đăng ký kinh doanh nghề thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong trường hợp này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ buộc phải lấy ý kiến thẩm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành có liên quan về điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trước khi thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo