Gồng mình “vui” tết
Tôi nghe mà khó hiểu hết sức. Nhạc xuân bật ầm ầm đầu đường cuối phố không phải khẳng định tết là dịp đáng vui, đáng mừng nhất trong năm hay sao?
Lớn hơn chút, bạn bè xung quanh tôi cũng lớn dần, tôi bắt đầu nghe... than tết. Lúc đó, chúng tôi đã vào tuổi phụ gia đình các công đoạn sửa soạn tết. Từng cái ly được lôi ra rửa, từng viên sỏi lót hồ cá được vớt lên chà, từng cái màn, rèm cửa được gỡ xuống giặt giũ. “Công trình bày bừa” cả năm chỉ có vài ngày trước tết để tổng vệ sinh nên nhà nào cũng đầu tắt mặt tối.
Gặp nhau ở trường, chúng tôi đã biết túm tụm lại... than. Không phải ngán núi việc nhà chất ngất mà ngán bởi mật độ la mắng, trách phạt của phụ huynh tăng đột biến. Các bà mẹ luôn trong tình trạng muốn nổ tung vì quá tải nên một tiếng chén vỡ, một góc nhà quét mạng nhện chưa sạch cũng đủ là lý do cho những tiếng quát tháo.
Không khí trong nhà những ngày cận tết thường là căng thẳng. Nhiều đứa trong chúng tôi sợ tết. Sợ bị mắng. Nhưng chung quy, niềm vui sắm sửa quần áo mới, nhận lì xì và ăn ngủ thả ga những ngày tết vẫn có phần lấn át.
Lớn hơn nữa, tôi nghe nỗi ngán ngẩm tết rõ hơn trong những tiếng thở dài. Đó là nhà ai cũng phải mâm cao cỗ đầy, hoa hòe trước cửa. Đám bạn tôi ngày xưa nhảy cẫng lên khi nghe “lì xì” nay cũng vì hai chữ ấy mà rầu bạc tóc.
Từ khi nào con nít biết giở bao lì xì tại chỗ rồi bĩu môi chê ỏng chê eo, khiến chú công nhân nhà bên sang lì xì cho em gái nhỏ nhà tôi phải ngại ngần chìa ra cái bao rào trước đón sau: “Chỉ có 20.000 đồng thôi, của ít lòng nhiều, mấy đứa đừng chê...”.
Tôi nghe mẹ kể ở quê mẹ miền Tây, mùi tết có mùi bánh phồng nướng, khi mọi người trong xóm gọi nhau giã bánh phồng suốt đêm và nướng trên than, hương thơm ngào ngạt. Lớn lên ở thành thị, tôi chưa từng được ngửi mùi ấy, nhưng tôi chắc chắn cái mùi ngòn ngọt, ấm áp, giản dị đó mới chính là mùi tết.
Còn tết của chúng tôi hiện nay thấy toàn mùi tiền. Phải có tiền mới rượu bánh biếu xén, phải có tiền trang hoàng hướng dương, cúc mâm xôi trước cửa, mới không bị hàng xóm quở “Tết nhứt mà nhà tối hù như đám ma”, phải có tiền mới không bị ngại với đám con nít khi chìa cho chúng bao lì xì mỏng hơn thiên hạ. Từ khi nào tết trở thành cái dịp để làm khó nhau?
Và từ khi nào tết là cái cớ hợp lý để thắt chặt những mối quan hệ mang lại lợi lộc. Người ta đã dúi tiền vào thiệp cưới, mạ vàng cho bánh trung thu và đến tết vẫn phải có ly rượu xuân hàng triệu đồng.
Những dịp thiêng liêng nhất, ý nghĩa nhất đời người đều trở thành những dịp để “trổ tài ứng xử”. Tôi không dám gom những chuyện không hay của tết để dễ bị hiểu nhầm là “không biết truyền thống”, nhưng...
Ngày tết truyền thống của ông bà ta nghĩ ra ngày xưa chắc vui lắm. Dân tình đói khổ cả năm, được vài ngày cơm ấm, áo lành, mọi người có dịp nói lời hay ý đẹp trong khí trời xuân phơi phới thì quả thật thi vị.
Không biết từ khi nào (lại từ khi nào) tết trở thành một cuộc chạy đua mệt đến mất thở. Các “bà chủ trong nhà” rã rời với tết từ dọn dẹp, trang trí tới làm được nhiều món nhắm tết đến mức khiến không khí gia đình căng thẳng cho quý “ông chủ” rồi lại lo dọn dẹp “bãi chiến trường”.
Các cha chú đua tửu lượng trên bàn nhậu đến kiệt sức. Giới trẻ đua nhau tiêu pha xả láng... Người ta không thưởng thức tết cho mình nữa mà bị buộc vào thế “Tết người ta sao mình phải vậy, hơn vậy càng tốt”.
Trên đường đua nóng bỏng đó, ai thật sự tìm thấy niềm vui tết? Và mấy ai thật bụng muốn gồng mình đua?
End of content
Không có tin nào tiếp theo