Xã hội

GS Ngô Đức Thịnh: Trên đời có ai không thích tiền không?

"Tất nhiên đồng tiền thì ai cũng trọng nhưng trọng nó cũng phải đúng lẽ. Quá đáng buồn khi xã hội coi trọng đồng tiền hơn cả những truyền thống hàng nghìn năm nay", GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam chia sẻ.

PV:- Thời gian vừa qua, hàng loạt những sự việc gây bức xúc cho dư luận liên tiếp xảy ra, từ hôi bia, hôi xăng, thậm chí hôi cả ngô, cả tiền của người chết, hôi của của người bị nạn. Chúng ta phải lý giải như thế nào về những hiện tượng này, những việc này thể hiện điều gì, thưa ông?

 GS Ngô Đức Thịnh:- Trong thời gian vừa qua, đã xảy ra những hiện tượng như vậy thật đáng buồn. Tất nhiên, trong cuộc sống nó cũng phải xảy ra, nhưng có lẽ ít khi trong quá khứ chúng ta có những chuyện như vậy. 
 
Không chỉ vậy lại còn xảy ra dồn dập, vậy nó nói lên cái gì, đây là vấn đề có quá nhiều cái để nói. Nhưng có hai phương diện cần nhìn nhận lại: Thứ nhất, đó là hành xử văn hóa của con người. Con người bây giờ không được hành xử tử tế, tất nhiên là không phải tất cả xã hội chúng ta không được tử tế, nhưng cái không tử tế bây giờ quá nhiều. 
 
Thứ hai, về mặt đạo đức xã hội, nó đang bị xuống cấp một cách ghê gớm, những sự việc xảy ra, nó chỉ ra một hành vi, hành động đáng lên án, nhưng rồi nó cũng cảnh tỉnh cho xã hội chúng ta về một sự suy thoái, suy đồi đạo đức đáng báo động. 
 
GS Ngô Đức Thịnh
 
Trước đây, truyền thống cha ông của chúng ta là "Lá lành đùm lá rách", nhìn những người hoạn nạn phải giơ tay ra giúp đỡ, thế nhưng bây giờ nhìn thấy người hoạn nạn thì càng phải xô đổ họ. 
 
Nói đi cũng phải nói lại, nhìn ở một góc độ khác, bên cạnh những hành vi đáng lên án, vẫn có những hành động trái ngược lại. Sau sự việc hôi bia, một người dân đã treo cái biểu ngữ nói về sự xấu hổ, cũng có 1 số người mang bia đến trả lại, đặc biệt là thành trào lưu họ quyên góp 200 triệu đồng cho người chủ xe bị hôi bia.
 
Nhưng ngay sau khi công ty không bắt bồi thường thì anh tài xế đã đi trả lại số tiền, ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn hơn, đấy là một hành động rất đẹp và hay. Để chúng ta nhìn nhận, bên cạnh những hành động hơi quá, suy đồi thì vẫn có những hành động đẹp. Còn nếu trong những lúc như vậy, bất kỳ ở đâu trên thế giới này họ đều chìa tay ra, nước này giúp đỡ nước khác. 
 
Và tôi biết, những hành động này còn nằm trong bóng tối rất nhiều, thực ra người dân chỉ cướp bia, nhưng hiện nay trong xã hội có kẻ cướp của dân hàng vạn, hàng triệu két bia, nhưng ai lên án. Nhưng chuyện bia nó được bày ra ánh sáng, nên mới chịu phán xét của xã hội, thể hiện sự xuống cấp của xã hội, nó cũng báo hiệu còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
 
Đây có thể được coi là những hành xử không có văn hóa, phi đạo đức. Người Việt Nam có một thói quen rất xấu, người nông dân ai khổ hơn thì thương, ai bằng thì cũng được, nhưng ai hơn mình thì không thích. Tôi chỉ không tưởng tượng được, có những người khốn khổ hơn, mà lại lao vào làm hại họ thêm. 
 
PV: - Trong khi đó, cứ đầu năm Tết đến là người dân lại lên chùa cầu tài, xin lộc, gọi là xin chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới, đặc biệt năm nay, trên thị trường còn xuất hiện cây lộc làm bằng tiền thật với những mệnh giá 500đ, 10.000đ. Việc sử dụng tiền thật để làm cây lộc, theo ông chúng ta phải lý giải việc này ra sao? Có phải giá trị của đồng tiền đang bị coi rẻ không, thưa ông?
 
GS Ngô Đức Thịnh:- Cái này thể hiện một quan điểm rất sai, vừa phi tín ngưỡng, thiếu văn hóa, bởi vì sao? 
 
Bởi vì, thứ nhất, lộc có thể hiểu theo hai nghĩa, một nghĩa cụ thể là chồi non mới nhú lên và nó biểu hiện cho sức sống, cho mùa xuân, cho sự sinh sôi, nảy nở, cho nên đầu năm có được một cành lộc thì là biểu hiện cho cái lộc. Lộc là một cái gì đó trìu tượng. 
 
Chúng ta lên chùa cầu thần, cầu Phật, xin năm nay có con về có con thì là có lộc, cầu thọ mà khỏe mạnh là có lộc, cầu năm nay thăng quan tiến chức mà được lên chức thì cũng là có lộc, rồi buôn bán có lãi cũng là lộc. Tất nhiên, lộc là tiền, thế nhưng sử dụng tiền thật để làm cây lộc thì không nên. 
 
Bởi vì lộc của thánh, thánh có tiền đâu mà dùng tiền trần gian, lộc ban cho người chỉ là tượng trưng. Trước đây, cây lộc hay được làm bằng vàng mã, bây giờ chuyển qua dùng tiền thật. 
 
Thứ hai, về mặt tư cách công dân như vậy là không đúng, nó phạm pháp. Về mặt tín ngưỡng, tôi vẫn lên chùa, đền, được các cụ phát cho cây lộc bằng những lá vàng. 
 
Sử dụng cây lộc bằng tiền thật là phi tín ngưỡng, thiếu văn hóa
 
Không có đất nước nào dùng tiền thật của quốc gia mình làm những việc như vậy. Nhét tiền vào tượng phật, tượng thần, rồi đến các hành động đạp, dẫm lên tiền, chắc sẽ không có công dân của quốc gia nào vô văn hóa, đạo đức, công dân kém như vậy. 
 
Một khía cạnh khác nữa, qua điều này, chứng tỏ tiền chả có giá trị gì. Cách chúng ta đang cư xử với đồng tiền cũng không đúng. Chắc hẳn, khi mua cây tiền này sẽ phải trả 1 số tiền để mua lớn hơn gấp nhiều lần, tiền là lòng thành xin lộc, chứ đem buôn bán là hoàn toàn không được.  
 
Dù biết tiền là để tiêu, nhưng với số tiền đó có thể đem lên để trong hòm công đức, góp tiền mua giọt dầu, nén nhang cho nhà đền, nhà chùa, thiết thực hơn nhiều. 
 
PV: -Thưa ông, mở rộng ra nhìn từ góc độ khác, hiện nay trong xã hội những vụ việc như con cái đòi giết mẹ để cướp tiền, cháu giết bà để cướp vàng, những nghịch đạo trong xã hội, nguồn gốc có phải bắt nguồn từ tư tưởng hám tiền, hám của đang bủa vây nhiều tầng lớp xã hội không?
 
GS Ngô Đức Thịnh: - Chúng ta cần nhìn thẳng vào hiện thực là xã hội đang xuống cấp đạo đức một cách ghê gớm. Nhưng tại sao đạo đức xuống cấp như thế? 
 
Một nền kinh tế, một nền chính trị như thế này thì làm sao trách được, tại sao đạo đức xã hội lại xuống cấp? Suy cho cùng đó là một lỗi của xã hội khiến cho con người đạo đức suy giảm. Trong con người luôn có cái tốt, cái xấu, bị tác động không tốt thì cái xấu sẽ nổi lên. 
 
Chính vì vậy, suy thoái đạo đức đổ cho ai, đổ cho dân sao, cũng đúng, nhưng trước hết phải đổ cho xã hội này. 
 
Đáng sợ nhất là cái tư tưởng hám tiền, hám của đã bao trùm tư tưởng người dân, tiền của lúc nào chả cần, người xưa cũng vậy, nhưng họ có cách đối xử với nó đúng lẽ. 
 
Nghĩ lại việc quan tham nhũng tiền của dân còn ghê gớm hơn cả việc dân hôi bia, vì bản chất cũng là ăn cắp, ăn cướp. 
 
PV: - Từ những thực tế trên chúng ta có thể hiểu thay vì trọng truyền thống, dân ta có phải đang trọng tiền hơn không ạ?
 
GS Ngô Đức Thịnh: - Tất nhiên đồng tiền thì ai cũng trọng nhưng trọng nó cũng phải đúng lẽ, trên đời này có ai không thích tiền không? 
 
Nhưng tiền cũng phải ra sao? Bằng lao động, bằng công sức thì mới quan trọng, cái này là đúng, còn hiện nay là vì đồng tiền thái quá. Quá đáng buồn khi xã hội coi trọng đồng tiền hơn cả những truyền thống hàng nghìn năm nay.
Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo