GS Nguyễn Minh Thuyết: Kết luận của Bộ GD&ĐT về vụ việc ông Nguyễn Cảnh Lương rất lửng lơ, mâu thuẫn
Trước kết luận của Bộ GD&ĐT về việc ông Nguyễn Cảnh Lương có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải, một số nhà khoa học đã bày tỏ sự thất vọng của mình.
Theo kết luận của Bộ GD&ĐT thì nội dung tố cáo “ông Nguyễn Cảnh Lương có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải” là đúng một phần.
Kết luận cũng khẳng định, ông Nguyễn Cảnh Lương không che giấu nguồn gốc tài liệu tham khảo khi đã liệt kê Luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải tại danh mục tài liệu tham khảo của Luận án. Hội đồng chấm luận án, PGS.TS Đặng Văn Khải đều đã biết Luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương có sử dụng lập luận trong luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải nhưng chỉ lưu ý việc trích dẫn và vẫn đánh giá tốt về giá trị luận án.
Hội đồng Chức danh giáo sư ngành toán sau khi so sánh hai luận án vào thời điểm năm 2014 cũng đồng quan điểm này; vì vậy, không đủ cơ sở để kết luận ông Nguyễn Cảnh Lương không trung thực.
Trước kết luận này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Tôi thấy kết luận của Bộ GD&ĐT về vụ việc ông Nguyễn Cảnh Lương rất lửng lơ, mâu thuẫn. Một mặt Bộ khẳng định kết quả nghiên cứu mới của ông Lương chỉ thể hiện ở Chương 1 và các mục 3.1, 3.2. của Chương 3; còn toàn bộ Chương 2 và các mục 3.3, 3.4 của Chương 3 hoàn toàn học theo phương pháp của TS Đặng Văn Khải, có nhiều đoạn lặp lại nguyên văn những đoạn đã có trong luận án của ông Khải.
Mặt khác, Bộ lại dựa theo giải trình của ông Lương để kết luận là “do thiếu hiểu biết về các quy định, chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc phải trích dẫn, chú giải đầy đủ, rõ ràng những phần tham khảo cách làm của PGS.TS Đặng Văn Khải” nên ông Lương đã không chua rõ nguồn tham khảo ở những chỗ nêu ý kiến ông Khải.
Tôi cho rằng khó có thể chấp nhận việc một nghiên cứu sinh lấy ý kiến người khác làm thành một chương rưỡi (một nửa) luận án của mình, đồng thời không ghi chú đó là ý kiến của người khác, nhất là khi đã được các thầy hướng dẫn và Hội đồng chấm luận án nhắc nhở.”
Theo GS.TS Thuyết, ở đây còn có cả trách nhiệm của Hội đồng và người hướng dẫn. PGS.TS Đặng Văn Khải là người hướng dẫn phụ, đồng thời là thành viên Hội đồng chấm luận án mà để nghiên cứu sinh Lương chép luận án của thầy làm thành một nửa luận án của mình thì không thể chấp nhận được.
“Về mặt xử lý, tôi hiểu là Bộ cũng như Hội đồng chức danh ngành Toán có những điều khó xử. Nhưng đã là việc công thì cần gạt tình cảm cá nhân sang một bên, theo quy chế mà làm. Vụ việc của ông Nguyễn Cảnh Lương cần được xử lý công bằng với những vụ việc tương tự.
Trước đây, ông Hoàng Xuân Quế ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bị khiếu nại là sao chép luận án của người khác và đã bị Bộ tước bằng. Tại sao mỗi trường hợp Bộ lại xử lý một kiểu như vây?” – GS Thuyết nêu quan điểm.
Cũng không đồng tình với kết luận của Bộ, GS.TSKH Lê Hùng Sơn – Giảng viên cao cấp Khoa Toán Tin Ứng dụng (Trường ĐH Bách khoa) nhấn mạnh: “Tôi và nhiều đồng nghiệp khá bất ngờ trước quyết định này và bản chất của câu chuyện này là không trung thực. Theo tôi, Bộ GD&ĐT phải hủy luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương và cho bảo vệ lại!
Đây không thể nói là sơ suất được, bởi vì một Bí thư Đảng ủy với một trình độ như vậy thì không thể sơ suất được. Trước đó thì tôi không nói, nhưng khi anh Lương đã vào Đảng, đã làm ở vị trí như vậy thì tự anh phải biết.
Tôi theo dõi toàn bộ kết luận, câu chuyện ở đây ai cũng thấy trong Hội đồng cấp cơ sở, chính GS. Mậu đã nói: “Chương II và Chương III trong luận án của PGS. Lương là chép lại của người khác một cách cẩn thận”.
Thế nên, với bản kết luận của Bộ GD&ĐT như vậy là hơi dung túng cho ông Lương, không nghiêm khắc. Với Kết luận của Hội đồng ngành tôi cũng cho là hơi hồ đồ, vì cho rằng luận án của anh Lương chỉ là ở Chương I, vậy Chương II, Chương III làm ra để làm gì?
Theo đúng tính chất của một người làm luận án tiến sĩ và nghiên cứu khoa học thì bất cứ đoạn nào bắt chước của người nào phải có chú thích, nếu không sẽ có tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”, làm người đọc tưởng nhầm chỗ đó là của anh.
Theo thông lệ quốc tế, nếu luận án mà chép lại, năm 1996 tôi không biết những quy trình gì nhưng có lời thề trước khi bảo vệ luận án, tôi nghĩ kể cả thời ông cha ta trước kia cũng phải có lời thề này, nếu sai có thể chém đầu.
Và nếu không làm đúng như “lời thề” đó thì phải xử, và luật nào cũng vậy – phải tước bằng. Luật của Việt Nam không thể nhẹ hơn người khác được, nếu như vậy thì người ta coi nền giáo dục chúng ta ra cái gì? Nếu chỉ vì giá trị mà “cứu” PGS. Lương thì giá trị ở tầm bằng tiến sĩ sẽ mất giá từ nay về sau.
Cách tốt nhất theo tôi phải thành lập một Hội đồng giống như Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, có nghĩa phải mời những người phản biện kín (độc lập), Hội đồng đó phải đủ số chuyên gia và những chuyên gia có uy tín về lĩnh vực sâu để thẩm định lại.
Vấn đề này Bộ trưởng phải đứng ra để giải quyết triệt để. Vừa rồi Bộ trưởng có được một việc dũng cảm là thừa nhận khuyết điểm đưa ra 34 nghìn tỷ đồng đổi mới sách giáo khoa, thì những chuyện như của PGS. Nguyễn Cảnh Lương, Bộ trưởng phải đứng ra, coi đó là một thiếu sót, sai lầm và phải xử lý nghiêm".
Còn PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Về kết luận của Bộ GD&ĐT đối với ông Nguyễn Cảnh Lương, theo tôi phải thẩm định kỹ mới có thể đưa ra kết luận được. Nếu là tôi, tôi so sánh, đánh giá thật kỹ hai luận án đó, mới có kết luận chính xác"
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo