Hạ lãi suất, giảm thuế để cứu doanh nghiệp
Ngày 25/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tổ chức gặp mặt các chuyên gia kinh tế để lắng nghe ý kiến, đánh giá tình hình kinh tế quý I-2012 và thảo luận về chính sách sắp tới. Sau khi nghe các chuyên gia phân tích, đánh giá, Thủ tướng nói: “Tại phiên họp sắp tới, Chính phủ sẽ thảo luận, đánh giá tình hình quý I, tìm các biện pháp điều hành trong quý II với tinh thần kiên trì bám mục tiêu, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý 5%-6% gắn với ổn định”.
Đưa lãi suất huy động về 10%
Tại cuộc họp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết lạm phát có chiều hướng giảm trong những tháng qua, đặc biệt giảm rất mạnh trong quý I, chỉ còn hơn 2% (các năm trước, quý I lạm phát thường ở mức 5% trở lên). Ông cho rằng đó là một thành công của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tỏ rõ sự quyết liệt trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xác định có chín ngân hàng thuộc nhóm 4 (yếu kém, tỉ lệ nợ xấu cao).
Với những đơn vị này, Chính phủ kiên quyết không cho phát triển tín dụng, tiến tới giữ ổn định thị trường. Còn các ngân hàng nhóm 2, 3 không gặp sự cố gì lớn. Hệ thống đã tránh được nguy cơ đổ vỡ và dần dần sẽ hồi phục lại trật tự. “Đây là một việc được làm tốt trong bốn tháng qua” - ông nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết CPI tháng Ba chỉ tăng 0,16%, là mức tăng thấp nhất trong vòng gần hai năm qua.
Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động đình đốn và đứng trước nguy cơ phá sản. Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính, nhận định: “Tác nhân chính của tình trạng này là lãi suất ngân hàng quá cao”.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng không phải là doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, mà là không có kế hoạch kinh doanh thuyết phục để ngân hàng có thể cho vay. Nói cách khác, vấn đề không phải là “tiếp cận vốn” mà là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất kém.
Ngoài ra, câu chuyện giảm lãi suất tuy đã được đặt ra từ lâu nhưng Ngân hàng Nhà nước cho rằng chưa thể làm quyết liệt vì còn chưa giải quyết được vấn đề thanh khoản.
Tuy nhiên, ông Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ tịch Ngân hàng ACB, lại chỉ ra một thực tế là bản thân ngân hàng của ông hiện dư tới ba tỉ USD mà không cho vay được. “Vậy vấn đề không phải là tính thanh khoản, hay là không có người vay, mà là lãi suất cao quá khiến doanh nghiệp không vay được”.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhắc lại: Sẽ quyết tâm hạ lãi suất, mỗi quý giảm 1%, đưa lãi suất huy động về mức 10%/năm vào cuối năm nay.
Giảm thuế cho doanh nghiệp
Các chuyên gia đặc biệt lưu ý Chính phủ là tình trạng hơn 79.000 doanh nghiệp giải thể tính đến cuối năm 2011.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu ra các khó khăn của doanh nghiệp, xoay quanh các vấn đề như tín dụng, thuế. Bà cho rằng phải làm sao để vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa phát triển.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sĩ Kiêm nêu vấn đề việc xây dựng chính sách về thuế, phí phải được được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo được tính hợp lý trong bối cảnh khó khăn. Các chính sách về thuế, phí trước hết phải tập trung theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho nền kinh tế.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy đề xuất Chính phủ tiếp tục có những biện pháp giảm thuế cho doanh nghiệp. Ông đề xuất: Chính phủ tiếp tục có những biện pháp giảm gánh nặng về thuế cho doanh nghiệp, xem xét kỹ khi đưa ra các khoản phí để doanh nghiệp yên tâm hơn trong đầu tư và dám vay vốn để đầu tư. Các khoản phí đề ra phải cân nhắc đến tính hiệu quả của tổng thể nền kinh tế.
Ông cũng đề xuất việc tiếp tục giải quyết một cách căn cơ về vấn đề thanh khoản của ngân hàng cũng như thực hiện chủ trương tiếp tục hạ lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động và cho vay trên thực tế của các ngân hàng thương mại, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vượt trần lãi suất.
Các chuyên gia nhất trí: Để giữ lạm phát ở mức một con số và duy trì tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2012 cần một sự nỗ lực rất lớn để giải quyết vấn đề an sinh xã hội, hướng tới phát triển bền vững...
Theo PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD