Hạ lãi suất nợ cũ xuống 15%/năm
Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại hội nghị toàn ngành vào hôm qua (7/7).
Cụ thể, ông Bình yêu cầu đối với những món vay cũ của các doanh nghiệp hiện đang khó khăn không có điều kiện trả nợ, các ngân hàng thương mại điều chỉnh xuống còn khoảng 15%/năm. Riêng các doanh nghiệp có điều kiện trả nợ, “sức khỏe” tốt hơn thì nhất thiết phải điều chỉnh xuống dưới 15%/năm.
“Ngân hàng Nhà nước muốn từ nay đến 15/7 các ngân hàng thương mại thực hiện theo tinh thần chỉ đạo, sau đó chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các địa phương sẽ làm việc với từng chi nhánh trên địa bàn để rà soát lại từng khách hàng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phải chia sẻ với nền kinh tế và doanh nghiệp bằng hành động cụ thể, có doanh nghiệp gặp tôi đưa cho xem hợp đồng tín dụng lãi suất vẫn 20% đến 21%/năm”, ông Bình nói.
Bà Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, cho biết sẽ xử lý quyết liệt nợ xấu, giảm lãi suất cho vay; những khoản nợ cũ kể cả khoản chưa đến hạn với lãi suất trên 20%/năm giảm xuống dưới 20%. Vì qua điều tra hiện có 15-18% khế ước còn ở mức lãi suất vay cao, chủ yếu lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội sẽ cố gắng hoàn thành giảm lãi suất trong cuối tháng 7 này.
Chưa bằng lòng với “quyết tâm” trên, Thống đốc yêu cầu Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nội làm việc với từng chi nhánh, các khoản vay cũ đưa về mặt bằng lãi suất dưới 15%, còn các khoản vay mới theo lãi suất hiện nay.
“Lãi suất mà quá cao thì làm sao doanh nghiệp sống nổi. Đề nghị đồng chí giám đốc triển khai ngay sau hội nghị này”, ông Bình chỉ đạo.
Giải pháp trên của Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được sự ủng hộ và đồng tình cao của các ngân hàng thương mại. Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, cho rằng đến cuối năm mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-17% khó đạt, vì vậy Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 10-12%.
Ông Thanh cũng khẳng định Vietcombank sẽ xem xét lãi suất hợp lý, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên sẽ không quá 11%/năm; những lĩnh vực khác từ 12-13%; lĩnh vực không ưu tiên kéo xuống dưới 15%.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, cho biết nợ quá hạn tới 30.6 của ngân hàng khoảng 3.340 tỉ đồng; nợ xấu là 1.034 tỉ đồng, hiện Eximbank đã xử lý một phần và sắp tới xử lý tiếp, song song đó sẽ giảm lãi suất các món vay cũ xuống tối đa 15%.
6 tháng tín dụng tăng 0,76%
TheoNgân hàng Nhà nước , 6 tháng đầu năm tổng phương tiện thanh toán tăng 5,57% so với cuối năm ngoái, khá phù hợp với mục tiêu tăng trưởng 14-16%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đạt mức rất thấp, đến cuối tháng 6 chỉ tăng 0,76% so với đầu năm, sau nhiều tháng âm liên tiếp. Nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác, thì tốc độ tăng trưởng cũng chỉ là 1,4%. Đáng chú ý, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực đang khát và khó tiếp cận vốn nhất hiện nay giảm 13,69%. Đến 31.5, tín dụng xuất khẩu tăng 12,63%, nông nghiệp nông thôn tăng 3%, công nghiệp hỗ trợ tăng 7,13%. Dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích chiếm 5,25% tổng dư nợ, giảm 5,91% so với tỷ trọng cuối năm ngoái. |
Theo TN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'